ClockThứ Tư, 12/01/2022 05:38

Chi phí xét nghiệm cao, nhiều doanh nghiệp gặp khó

TTH - Dịch COVID-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp (DN) phải thực hiện tầm soát 3 ngày/lần đối với toàn thể người lao động (NLĐ) trong khi các khoản chi phí test nhanh và PCR khá cao, gây áp lực cho DN và ảnh hưởng đến tâm lý người lao động (NLĐ).

Xét nghiệm PCR cho 100% thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sựTừ nay đến 15/9, nơi có nguy cơ cao sẽ xét nghiệm Covid-19 tại nhà ít nhất 3 lầnAnh thí điểm các sáng kiến hỗ trợ người dân phòng chống dịch COVID-19

Công ty CP Dệt may Phú Hòa An tổ chức test định kỳ cho người lao động

Áp lực

Sau khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn, xuất hiện nhiều ca F0 trong cộng đồng, Công ty Scavi Huế phải thực hiện tầm soát thường xuyên bằng hình thức test nhanh và xét nghiệm PCR cho toàn bộ NLĐ, khách hàng, đối tác và tài xế đến giao nhận hàng. Theo tính toán của DN, 70- 80% chi phí chống dịch đều đổ vào khâu xét nghiệm với mong muốn tìm ra kết quả để có hướng điều trị, đồng thời sớm khoanh vùng, dập dịch.

Theo Trưởng ban phòng, chống dịch COVID-19 Công ty Scavi Huế, ông Hồ Phan Minh Đức, hiện công ty đã chuyển từ mô hình sản xuất “ba tại chỗ” sang “hai tại chỗ, một cung đường - hai điểm đến”. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe NLĐ cũng như công tác phòng dịch an toàn, hiệu quả, DN thường xuyên test nhanh cho toàn bộ NLĐ.

“Hiện, công ty có hơn 7.000 lao động đang làm việc tại 3 nhà máy, chủ yếu sinh sống tại các địa phương trong tỉnh và tỉnh Quảng Trị. Riêng trong tháng 12/2021, công ty đã tổ chức tầm soát cho 12 ngàn lượt người, xét nghiệm PCR cho hàng trăm trường hợp nghi nhiễm COVID-19 với kinh phí hơn 500 triệu đồng. Chi phí tăng, trong khi đó công suất nhà máy lại giảm chỉ còn khoảng 80% do số lượng NLĐ phải thực hiện cách ly, điều trị COVID-19 nên hoạt động sản xuất kinh doanh đã khó, nay càng khó khăn hơn”, ông Đức chia sẻ.

Cùng với lĩnh vực dệt may, thời gian qua, nhiều DN vận tải trên địa bàn phải chi hàng trăm triệu đồng cho công tác xét nghiệm cũng như phòng dịch COVID-19.

Theo lãnh đạo một DN vận tải ở TX. Hương Trà, bình quân cứ 2 ngày lái xe phải lấy mẫu xét nghiệm một lần để có kết quả "gối đầu", đáp ứng yêu cầu có giấy xét nghiệm trong 72 giờ từ thời điểm lấy mẫu của nhiều địa phương. Trong đó, giá xét nghiệm PCR mẫu gộp khoảng 200 ngàn đồng/người, còn nếu xét nghiệm đơn là 700 - 800 ngàn đồng/mẫu, tùy cơ sở y tế; test nhanh từ 65 - 120 ngàn đồng/người. Vì vậy, mỗi tháng DN mất trên dưới 300 triệu đồng chi phí xét nghiệm cho gần 150 lái xe. Với các tuyến đường dài chạy 4-5 ngày thì chi phí xét nghiệm tăng gấp đôi.

Nhiều mô hình để giảm chi phí

Ông Lê Văn Khánh, lãnh đạo Công ty TNHH MTV May Sơn Hà Huế tính toán, chi phí xét nghiệm chiếm khoảng 5-10% doanh thu của DN trong thời điểm dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh tại các địa phương, chưa kể các chi phí phòng, chống dịch khác như phụ cấp tăng thêm cho NLĐ, lái xe, chi phí trang bị các vật dụng để thực hiện "3 tại chỗ"... Trong đó, cứ 3 ngày DN phải thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên cho các chuyền may/lần nên DN mất khoảng 200 triệu đồng/tháng cho chi phí xét nghiệm. Đó là test nhanh, trường hợp phải test PCR thì chi phí cao hơn.

Để giảm chi phí xét nghiệm COVID-19, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn và chính xác trong phòng, chống dịch, nhiều DN trên địa bàn đang thực hiện xét nghiệm theo mô hình CNOK (C: chính xác, N: nhanh chóng, O: ổn định tâm lý NLĐ và K: kinh tế), đó là chia phân tổ rồi xét nghiệm người đại diện. Ngoài ra, một số DN test theo chuyền, trong đó chọn 3 vị trí: đầu - giữa - cuối để test với số lượng từ 20% - 30% NLĐ làm việc trong chuyền, sau đó nếu phát hiện F0 thì tiếp tục truy vết, test toàn bộ NLĐ toàn nhà máy.

Qua khảo sát, hiện các DN đã nghiên cứu mô hình có thể chung sống lâu dài với dịch COVID-19. Trong đó, mỗi nhân viên sẽ được định danh bằng một mã vạch khi vào cổng. Tại cổng và một số vị trí trong nhà máy sẽ được lắp camera hồng ngoại để kiểm tra thân nhiệt. Nếu nhiệt độ cơ thể vượt quá 38 độ C, NLĐ sẽ được đưa đi xét nghiệm kháng nguyên, tùy theo kết quả để có phương pháp xử lý; người có nhiệt độ bình thường được vào công ty rồi thực hiện lấy mẫu theo mô hình CNOK.

Cùng với biện pháp xét nghiệm để sớm khoanh vùng, dập dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, nhiều DN đã vận động NLĐ thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch từ nhà máy đến nơi lưu trú với phương châm: "Một cung đường - hai điểm đến", không tham gia các hoạt động tập trung đông người và tự test COVID-19 trước khi đến nhà máy nhằm giữ cho nhà máy "sạch" trong năm 2022.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01%

Đây là mục tiêu được nêu ra tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2024, phương hướng hoạt động năm 2025 do Sở Y tế tổ chức chiều 17/12. Tham dự có đại diện các đơn vị y tế, các cơ quan ban ngành.

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01

TIN MỚI

Return to top