Chuẩn bị tốt các phương án
Trung tâm Y tế (TTYT) Phú Vang có tỷ lệ khám và điều trị cao trong các đơn vị trực thuộc Sở Y tế. Song thời gian qua, nơi đây vẫn không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Lãnh đạo đơn vị khẳng định: 100% bệnh nhân (BN) đến khám không phải mua thuốc bên ngoài.
TTYT Phú Vang có 18 khoa, phòng, năm 2022 được phê duyệt 250 giường theo kế hoạch, thực kê là 310 giường. Bình quân mỗi ngày, nơi đây phục vụ 600 - 700 lượt khám điều trị ngoại trú. Đặc biệt ngày thứ hai trong tuần, số người đến khám ở mức trên dưới 1.000 lượt. Chuẩn bị tốt thuốc và vật tư y tế là công việc quan trọng trong khám, chữa bệnh. Trước Tết Nguyên đán, đơn vị chủ động xây dựng danh mục, kế hoạch gửi Sở Y tế, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tiến hành các bước tiếp theo.
Năm 2023, lần đầu tiên các đơn vị được trực tiếp tham gia đấu thầu. TTYT Phú Vang chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Năm 2023, đơn vị này có 440 mặt hàng đưa vào danh mục đấu thầu, trong đó phần lớn là thuốc tân dược. “Nếu đấu thầu tập trung, một số loại thuốc cấp cứu, thuốc hiếm gom lại sẽ có nhà thầu tham gia. Còn khi đơn vị trực tiếp đấu thầu, nguy cơ thiếu một số loại thuốc cấp cứu hoặc thuốc gây nghiện hướng tâm thần nên chúng tôi đã lên phương án trình Sở Y tế cho mua trong giới hạn cho phép. Nhằm tránh thiếu thuốc, sau khi hoàn tất gói thầu, trung tâm tiếp tục mua thêm 20% dự phòng nữa theo quy định”, BS CKI. Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc TTYT Phú Vang thông tin.
Năm 2022, Sở Y tế tổ chức đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu 43/2005/QH11, Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 của Bộ Y tế và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Giá thuốc trúng thầu không được cao hơn giá kế hoạch và giá kê khai, kê khai lại đang còn hiệu lực đã được công bố trên website của Cục Quản lý dược.
Năm ngoái, Sở Y tế có 7 gói thầu với 791 mặt hàng, giá trị trúng thầu hơn 122 tỷ đồng. Đối với các thuốc chưa lựa chọn được nhà thầu trúng thầu, trong thời gian chờ tổ chức đấu thầu bổ sung, phòng chức năng đã tham mưu chỉ đạo các đơn vị lựa chọn hình thức mua sắm phù hợp hoặc điều chuyển thuốc giữa các đơn vị để có đủ thuốc phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh. DS CKI. Lê Viết Bắc, Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay: “Tất cả các đơn vị trực thuộc sở không xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, bởi kế hoạch sử dụng thuốc đấu thầu thời hạn hợp đồng đến tháng 4/2023. Đến nay nhiều đơn vị vẫn còn thuốc sử dụng”.
Dự báo và gỡ khó
Thực hiện triển khai giao việc đấu thầu về cho các đơn vị, Sở Y tế đã tổ chức hội nghị triển khai về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập cho các đơn vị trực thuộc. Các cơ sở y tế công lập được giới thiệu văn bản liên quan về đấu thầu thuốc, việc lập hồ sơ mời thầu, nghe chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ gỡ khó từ thực tế công tác đấu thầu.
Riêng các loại thuốc gây nghiện hướng tâm thần như các đơn vị phản ánh dự báo thiếu hụt, ông Bắc lý giải đây là mặt hàng ít nhà thầu tham gia bởi nhu cầu sử dụng ít, các quy định quản lý mặt hàng này khá chặt chẽ. Để giải quyết sự thiếu hụt này, sở thống nhất cho các đơn vị mua theo dự trù.
Trong khi công tác điều trị một số bệnh viện lớn trong cả nước bị ảnh hưởng vì thiếu thuốc và vật tư nghiêm trọng, thì Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế chỉ thiếu cục bộ, cơ bản vẫn đáp ứng cho các hoạt động khám, chữa bệnh. Lãnh đạo BVTW cho hay đã làm công tác dự báo tốt, từ sớm ở một số mặt bệnh, lĩnh vực; sự chủ động và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận nên không rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng như các đơn vị y tế khác. Dự kiến trong năm nay, BVTW Huế đầu tư mua hệ thống chụp cắt lớp CT 512 lát cắt, máy xạ trị theo quy định; đồng thời kịp thời cung ứng thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế nhằm đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân.
Một tin vui cho nhiều cơ sở y tế là Nghị quyết 30/NQ-CP (NQ30) vừa được ban hành đã giải quyết rốt ráo tình trạng thiếu thốn đang diễn ra tại bệnh viện lớn. Trước đây, quy định đấu thầu trang, thiết bị y tế cần phải có 3 báo giá. Thực tế, một số trang, thiết bị chỉ một nơi sản xuất thì không thể đáp ứng yêu cầu này, do đó, việc đấu giá và mua bất thành. NQ30 đã gỡ bỏ quy định 3 báo giá, đồng thời tháo gỡ nút thắt lớn liên quan đến máy xét nghiệm, vật tư đi theo máy. Cho phép thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu. Ngay sau khi NQ30 được ban hành, các đơn vị đã bám hành lang pháp lý, rà soát lại máy móc, thiết bị để có kế hoạch sử dụng, mua sắm phù hợp.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia ngành y, cần triển khai đồng bộ để nhiều ban, ngành liên quan nắm được tinh thần NQ30. Về lâu dài phải có giải pháp căn cơ trong sửa đổi các quy định liên quan đến cung ứng thuốc, vật tư, trang, thiết bị y tế, có như vậy mới giải quyết tận gốc những khó khăn ở lĩnh vực này.