Tuyên truyền sức khỏe sinh sản cho người dân đầm phá ở huyện Phú Vang
Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3
Có mặt tại Trạm Y tế thị trấn Thuận An (Phú Vang) từ sớm, chị Mai Thị Bé (thôn Hải Tiến, 27 tuổi) tham gia buổi truyền thông KHHGĐ với gương mặt lo lắng. Chị Bé đã có 3 cháu, “đủ nếp, đủ tẻ” nhưng do theo nghề biển khơi ít có điều kiện tiếp cận phương tiện tránh thai nên nơm nớm sợ “vỡ kế hoạch”. Khi nghe các anh, chị ở huyện, tỉnh về tư vấn KHHGĐ, chị sắp xếp thời gian đến tham gia. Trong hội trường sáng hôm ấy, rất nhiều câu chuyện về phòng ngừa tránh thai, chăm sóc thai sản, trẻ sơ sinh... được các chị rỉ tai nhau. Chị Bé chia sẻ, qua những buổi truyền thông về KHHGĐ, chị mới thấm thía, quan trọng nhất là phải giữ gìn sức khỏe, sinh đẻ ít mới nuôi dạy con tốt.
Theo anh Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng DS/KHHGĐ (TTYT huyện Phú Vang), với đặc thù địa hình, Phú Vang có 16/20 xã, thị trấn tham gia Đề án 52. Đa phần người dân ở đây theo biển dài ngày khó tiếp cận truyền thông, dịch vụ chăm sóc SKSS... dẫn đến sinh nhiều, tỷ lệ sinh con thứ 3 cao. Khi tiếp cận Đề án 52, huyện Phú Vang triển khai các hoạt động, chương trình nhằm vận động nâng cao nhận thức cho người dân vùng ven biển, đầm phá có điều kiện thuận lợi thực hiện KHHGĐ. Với những làng chài, ven biển đầm phá, cán bộ chuyên trách đã phân công các chị em có kinh nghiệm, tranh thủ thời gian thích hợp vào buổi chiều, hoặc tối đến vận động. Nhờ chú trọng đến hoạt động, chương trình của Đề án 52, tư tưởng thích sinh đông con để kế nghiệp nghề biển thay đổi, thậm chí không còn tâm lý e ngại, giấu bệnh, thực hiện tốt các biện pháp KHHGĐ... Tỷ lệ sinh ở Phú Vang từ mức cao đến nay đã giảm dần; tỷ lệ sinh con thứ 3 trước năm 2015 hơn 22%, nay còn 14%.
Không chỉ Phú Vang mà huyện Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền... khi tham gia Đề án 52 đã nắm bắt đặc thù địa phương đẩy mạnh hoạt động truyền thông, chăm sóc SKSS, KHHGĐ... Từ đó, giúp những vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ hiểu giá trị việc KHHGĐ, xây dựng cuộc sống chất lượng, hạnh phúc. Hầu hết các địa phương tham gia Đề án 52, hiện tỷ lệ sinh con thứ 3 chỉ còn 10-14% so với trước đây (năm 2012) từ 25-30%.
Nâng cao chất lượng
Đề án kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển (Đề án 52) giai đoạn 2009-2020 được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định số 52/2009/QĐ-TTg ngày 9/4/2000 với mục tiêu tổng quát là kiểm soát quy mô dân số và chất lượng dân số các vùng biển, đảo và ven biển. Đề án được triển khai tại Thừa Thiên Huế với 56 xã, phường, thị trấn thuộc 7/9 huyện, thị, thành phố ven biển, đầm phá, cửa sông...
|
Đề án 52 như làn gió mới đến người dân vùng biển đầm phá ở Thừa Thiên Huế từ sau năm 2011. Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh là đơn vị được giao trách nhiệm chính triển khai đề án hàng năm với nhiều chương trình, hoạt động như tổ chức truyền thông, tư vấn, triển khai các dịch vụ KHHGĐ cho người dân, đặc biệt các đối tượng vùng khó khăn ở vùngven biển, đầm phá.
Trung tâm DS/KHHGĐ các huyện, thị (nay là Phòng DS/KHHGĐ) phối hợp với ban ngành, đoàn thể địa phương... tổ chức sinh hoạt, tư vấn cộng đồng cung cấp kiến thức, chăm sóc SKSS, KHHGĐ... không chỉ trong độ tuổi sinh đẻ mà giáo dục giới tính cho lứa tuổi tiền hôn nhân hiểu biết về KHHGĐ, mang thai ngoài ý muốn nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình. Năm 2018, các địa phương thuộc Đề án triển khai truyền thông, cung cấp dịch vụ trong dịp đầu năm, Ngày Dân số thế giới (11/7), Ngày Dân số Việt Nam (26/12)... Các xã, thị trấn phối hợp hội nông dân, phụ nữ tổ chức hơn 312 buổi nói chuyện chuyên đề với hơn 15.000 trường hợp nam nông dân, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; tổ chức hơn 100 buổi phát thanh tuyên truyền về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, biện pháp tránh thai tại các làm dịch vụ... Kết quả mang lại trong dịp vận động tuyên truyền, thực hiện dịch vụ KHHGĐ của đề án 52 đạt 94,4%...
Ông Phan Mậu Dưỡng, Trưởng phòng DS/KHHGĐ, TTYT huyện Quảng Điền nêu thực tế, đặc thù địa phương có dân cư vùng ven biển biến động, nhất là lao động nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ. Nhiều chị em ít có cơ hội, thời gian để tìm hiểu và tiếp cận các thông tin về DS/KHHGĐ. Nắm bắt thực tế đó, phòng phối hợp tổ chức nhiều đợt khám, phát hiện sớm bệnh tật, kiểm tra sức khỏe sinh sản (SKSS), khám phụ khoa phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục...
Bác sĩ CKII Tôn Thất Chiểu, Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh cho biết, Đề án 52 sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, thường xuyên với các hoạt động như tuyên truyền, vận động, tư vấn; cung cấp dịch vụ đặc thù tại các vùng biển, đầm phá… phù hợp với đặc điểm tâm lý, điều kiện sống của người dân vùng biển, đầm phá, góp phần nâng cao chất lượng dân số toàn tỉnh.
Bài, ảnh: MINH HY