ClockThứ Bảy, 06/01/2018 12:59

Đấu thầu thuốc tập trung: Mua được thuốc rẻ nhưng vẫn nhiều băn khoăn

Việc tổ chức đấu thầu thuốc tập trung không chỉ hạn chế được tình trạng “loạn” giá thuốc mà còn giúp mua được thuốc với giá rẻ hơn. Tuy nhiên, các đơn vị triển khai vẫn còn phải đối mặt với nỗi lo thiếu thuốc, thuốc phát sinh ngoài gói thầu…

Việc đấu thầu thuốc tập trung sẽ giúp mua được thuốc giá rẻ, người dân sẽ giảm được chi phí điều trị bệnh. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Còn nhiều nỗi lo

Vừa qua, Trung tâm Mua sắm thuốc tập trung quốc gia (Bộ Y tế) đã triển khai thành công đợt đấu thầu thuốc tập trung quốc gia lần đầu tiên với 22 thuốc điều trị ung thư, nhờ đợt mua sắm tập trung này, giá thuốc đã giảm tới 33%, tiết kiệm được tới 477 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, việc đấu thầu mua sắm thuốc tập trung giúp quản lý tốt hơn chuỗi cung ứng thuốc, giá và chất lượng thuốc, đặc biệt có thể hạn chế tình “loạn” giá thuốc tại các vùng, miền chênh lệch nhau…

Tuy đã thực hiện thành công đấu thầu thuốc tập trung nhưng các đơn vị triển khai đấu thầu, các đơn vị khám và điều trị vẫn còn nhiều vấn đề còn băn khoăn, đặc biệt là vấn đề lo thiếu thuốc khi các gói thầu không cung ứng kịp.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Từ năm 2016, Hà Nội đã tổ chức đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương với 111 hoạt chất theo quy định. Tuy nhiên, do Bộ Y tế không quy định việc thành lập trung tâm đấu thầu thuốc tập trung tại các tỉnh, thành phố; nên phải giao cho một bệnh viện tổ chức đấu thầu. Việc vừa phải đứng ra tổ chức đấu thầu tập trung, vừa phải tham gia đấu thầu sẽ gây quá tải cho bệnh viện; đặc biệt vì là đơn vị không chuyên về đấu thầu nên việc giải quyết các tình huống sau đấu thầu vẫn còn gặp nhiều khó khăn”.

Cũng theo ông Chung, việc một số bệnh viện trung ương tham gia đấu thầu tập trung nhưng khi thực hiện hợp đồng có một số mặt hàng lấy ít hơn với dự trù rất nhiều sẽ gây khó cho các nhà thầu. Bên cạnh đó, trong danh mục đấu thầu tập trung có một số hoạt chất ít được sử dụng hoặc sử dụng với số lượng nhỏ (chỉ vài trăm nghìn đồng), vì vậy, nhà thầu không ký hợp đồng hoặc không cung ứng sẽ không có thuốc để sử dụng.

“Hiện nay, các đơn vị mua thuốc phải theo 4 danh mục: Đấu thầu tập trung cấp quốc gia của Bộ Y tế; đấu thầu tập trung của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; đấu thầu tập trung cấp địa phương và đấu thầu tại đơn vị. Đặc biệt, mỗi danh mục lại phải ký hợp đồng với nhiều nhà thầu, thời gian thực hiện hợp đồng lại khác nhau sẽ gây khó khăn cho các đơn vị cho việc chủ động nguồn thuốc , thanh toán kinh phí”, ông Chung cho biết.

Về phía các bệnh viện, khi cung ứng thuốc đấu thầu tập trung cũng còn nhiều vấn đề phải bàn. Theo Ths. Vũ Đình Tiến, trưởng khoa Dược, bệnh viện K: Trong danh mục đấu thầu thuốc tập trung quốc gia, đối với thuốc điều trị ung thư chỉ có một hàm lượng, đây là một khó khăn khi bác sĩ phải phối hợp liều cho bệnh nhân. Hay khi thuốc trong kế hoạch đấu thầu tập trung đã sử dụng hết, lại không điều chuyển được giữa các cơ sở y tế với nhau dẫn đến nơi thiếu thuốc, nơi vẫn còn thừa. Chưa kể, thời gian từ khi lập kế hoạch đấu thầu đến khi có kết quả lựa chọn nhà thầu kéo dài, trong thời gian đó sẽ có nhiều sự thay đổi về nhu cầu lượng thuốc sử dụng.

Bên cạnh đó, hiện chưa có cơ chế dự trữ thuốc dự phòng khi thuốc đấu thầu đợt cũ hết nhưng đợt đấu thầu mới chưa có sẽ gây khó khăn trong điều trị bệnh. Hiện Bộ Y tế cũng quy định, việc đấu thầu thuốc phải trình UBND tỉnh, thành phố để phê duyệt, nhưng các thủ tục lại rất khó đáp ứng việc cung cấp nguồn thuốc kịp thời. Điều này dễ dẫn tới tình trạng thiếu một số loại thuốc, làm ảnh hưởng đến người bệnh.

Sẽ điều chỉnh phù hợp

Việc đấu thầu thuốc tập trung là một biện pháp nhằm hướng tới thống nhất trong việc mua sắm thuốc, giá thuốc, giúp người dân được hưởng giá thuốc rẻ hơn, giảm chi phí điều trị. Vì thế, không thể vì mua sắm thuốc làm ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thuốc.

“Thuốc là mặt hàng quan trọng phục vụ khám, chữa bệnh. Nhiệm vụ của Bộ Y tế, các bệnh viện là cung ứng đủ thuốc, không vì mua sắm tập trung mà ảnh hưởng đến việc điều trị cho người bệnh. Sau khi hoàn tất công tác đấu thầu, nhiệm vụ tiếp theo của cơ quan chức năng là theo dõi chất lượng thuốc, số lượng thuốc, kịp thời có điều chỉnh phù hợp, không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc”, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn khẳng định.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, trong quá trình thực hiện đấu thầu thuốc tập trung, sẽ có những quy định chặt chẽ như: Bắt buộc doanh nghiệp phải cam kết bảo đảm cung ứng đủ thuốc trúng thầu, chia nhỏ hơn nữa các gói thầu để tránh tình trạng thuốc giá rẻ, chất lượng không tốt nhưng vẫn trúng thầu…

Bộ Y tế cũng đã yêu cầu Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia phân quyền tối đa cho các sở y tế địa phương để các đơn vị có thể tự liên lạc với nhau trong việc điều chuyển thuốc; đặc biệt trong việc mở rộng danh mục và áp dụng hình thức đàm phán giá, nhất là đối với gói thầu thuốc biệt dược gốc.

“Để đảm tốt việc cung ứng thuốc khi thực hiện mua sắm thuốc theo hình thức đấu thầu tập trung, Sở Y tế Hà Nội đề xuất Bộ Y tế xem xét tổ chức hai cấp độ đấu thầu. Cụ thể, Bộ Y tế sẽ đấu thầu tập trung toàn bộ thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Còn ở cấp địa phương, các cơ sở y tế tự đấu thầu những mặt hàng còn lại”, ông Trần Văn Chung đề xuất.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tập trung xử lý các “điểm nóng” về trật tự đô thị

Để đảm bảo trật tự đô thị - an toàn giao thông (TTĐT - ATGT) tại các địa điểm tham quan du lịch và các “điểm nóng” trên địa bàn thành phố, Đội Quản lý đô thị (QLĐT) TP. Huế huy động nhân lực triển khai nhiều giải pháp, góp phần ổn định trật tự đô thị và tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân.

Tập trung xử lý các “điểm nóng” về trật tự đô thị
Tập trung nguồn lực giúp người dân giảm nghèo

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, huyện Phú Lộc đã và đang tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp gắn với tình hình thực tế từng địa phương, từng hộ gia đình để giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tập trung nguồn lực giúp người dân giảm nghèo
Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp:
Tập trung giải pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ các tháng cuối năm

Sáng 10/10, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp (CQ&DN) tỉnh tổ chức hội nghị Ban Chấp hành khóa VII, lần thứ 18 (mở rộng) để sơ kết, đánh giá kết quả hoạt động của Đảng bộ quý III và 9 tháng đầu năm, bàn phương hướng, nhiệm vụ quý IV và nhiều nội dung quan trọng khác.

Tập trung giải pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ các tháng cuối năm
Tập trung giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm

Ngày 2/8, HĐND huyện Phú Lộc tổ chức khai mạc kỳ họp lần thứ 8, HĐND huyện khoá XII, nhiệm kỳ 2021-2026 để xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, bàn các giải pháp để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của năm 2024; Đồng thời, tiến hành xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND huyện.

Tập trung giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm

TIN MỚI

Return to top