ClockThứ Năm, 15/04/2021 16:52

Đề nghị 5 tỉnh, thành phố tăng cường phòng, chống dịch COVID-19

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 vừa có công văn số 2830/CV-BCĐ gửi tới UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Dương, Tây Ninh, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Nguy cơ cao bùng phát dịch COVID-196.200 liều vắc xin phòng dịch COVID-19 đã về đến Thừa Thiên HuếTỉnh đầu tiên triển khai tiêm vaccine COVID-19 đợt 2

Công nhân Công ty TNHH Điện tử POYUN Việt Nam (Hải Dương) đi làm tuân thủ quy tắc 5K. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Công văn nêu rõ: Trước tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới; thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch hiệu quả; để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống dịch và triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 trong thời gian tới; từ ngày 24 - 27/3, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã tổ chức Đoàn kiểm tra tới các tỉnh, thành phố. Căn cứ kết quả kiểm tra, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia) đề nghị các địa phương chỉ đạo triển khai một số nội dung.

Đó là tiếp tục hiện nghiêm các chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế về công tác giám sát, cách ly, xét nghiệm, phòng chống dịch COVID-19: Công điện ngày 5/1/2021 của Thường trực Ban Bí Thư và Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 05/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 1699/CĐ-TTg ngày 2/12/2020 và Công điện số 1852/CĐ-BCĐ ngày 30/11/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về việc tăng cường giám sát và quản lý người nhập cảnh.

Các địa phương tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Các đơn vị chức năng thường xuyên báo cáo đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch. Lãnh đạo các địa phương phải tập trung chỉ đạo, chủ động quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Khi có nguy cơ dịch xảy ra, các địa phương phải ưu tiên cho công tác phòng chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ, chủ động ứng phó với các cấp độ của dịch. Các địa phương không áp dụng giãn cách trên phạm vi rộng; biện pháp phòng, chống dịch cần được tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm hạn chế tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế, xã hội và đời sống người dân.

Trước mắt, các địa phương chủ động trong trạng thái bình thường mới, vừa phát triển kinh tế, vừa sẵn sàng phòng chống dịch trong tất cả các ngành, lĩnh vực tại tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng; coi việc bảo đảm an toàn với dịch bệnh là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội. Cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhất là những nơi thường xuyên tập trung đông người, xử lý nghiêm các vi phạm.

Các địa phương phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các đơn vị quân đội, công an phối hợp với chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh qua biên giới, đặc biệt chú trọng quản lý các đối tượng chuyên gia, lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc, đối tượng nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở; đồng thời tiếp tục tổ chức nghiêm việc thực hiện cách ly theo hướng dẫn của ngành y tế. Các đơn vị chức năng lưu ý chuẩn bị chu đáo để từng bước mở lại các đường bay thương mại quốc tế phù hợp với khả năng phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn, thúc đẩy giao lưu quốc tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các địa phương nâng cao năng lực xét nghiệm tại các cơ sở y tế trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm; tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ về công tác giám sát, cách ly, xét nghiệm, phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở; chỉ đạo các cơ sở y tế tư nhân tăng cường giám sát phát hiện sớm trường hợp có triệu chứng nghi ngờ để kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

Bên cạnh đó, các địa phương chỉ đạo khẩn trương triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 theo số lượng đã được phân bổ và kế hoạch sử dụng vaccine COVID-19 tại địa phương đảm bảo đúng tiến độ, xong trước ngày 15/5, đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả. Các cơ quan chức năng huy động tối đa nguồn lực cho hoạt động tiêm chủng bao gồm các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo về y tế trên địa bàn để tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 đảm bảo an toàn và hiệu quả cho các đối tượng theo đúng quy định tại Nghị định số 21/NĐ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19, kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 47/TB-VPCP ngày 17/3/2021; theo dõi, thành lập các đội xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng; bố trí đủ cơ số thuốc chống sốc phản vệ để xử trí kịp thời các trường hợp sự cố bất lợi nặng nếu có sau tiêm chủng.

Mặt khác, các cơ quan chức năng cần tiếp tục truyền thông mạnh mẽ, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ trước nguy cơ dịch bệnh trong nhân dân, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, tuyệt đối không chủ quan lơ là. Các địa phương cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông người dân và cộng đồng về đối tượng tiêm chủng, loại vaccine phòng COVID-19, theo dõi phản ứng sau tiêm chủng; thực hiện tốt thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế), yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và các nơi công cộng; khuyến cáo tiêm phòng vaccine phòng COVID-19.

Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về nhập cảnh, giám sát, cách ly y tế, xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19, nhất là các điều kiện trước khi nhập cảnh (Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, giấy khai bao y tế...), việc đưa đón, bàn giao từ cửa khẩu,  khu vực cách ly y tế đối với người nhập cảnh (bao gồm khu cách ly trong, ngoài quân đội có thu phí) tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly, lây ra cộng đồng.

Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia) đề nghị UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Dương, Tây Ninh, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Return to top