Người dân kiểm tra sức khỏe trên hệ thống chụp cộng hưởng từ kỹ thuật số tại Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN
Tại Quyết định số 2955/QĐ-BYT của Bộ Y tế về phê duyệt kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế, thực hiện chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Bộ Y tế xác định lấy người dân làm trung tâm, số hóa dữ liệu sức khỏe của người dân trên cơ sở thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử, hình ảnh số y khoa, các ứng dụng phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng số y tế; Lấy nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử là thành phần cốt lõi để thúc đẩy và triển khai các nền tảng số y tế khác cũng như các hệ thống thông tin, các ứng dụng chuyên ngành y tế góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế. Đồng thời phân cấp cho các địa phương trong việc tổ chức triển khai và quản lý dữ liệu y tế…
Việc ban hành quyết định nhằm thúc đẩy việc số hóa thông tin chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân thông tin khám bệnh, chữa bệnh để hình thành kho dữ liệu quốc gia về y tế, phục vụ chuyển đổi số ngành y tế gồm 4 nền tảng số quốc gia: Nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử (Sổ sức khỏe + Kho dữ liệu) là thành phần cốt lõi; Nền tảng Quản lý tiêm chủng; Nền tảng Hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; Nền tảng Trạm y tế xã.
Chia sẻ về hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh từ xa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, từ đầu năm 2020, ngay khi dịch COVID-19 xuất hiện bệnh nhân đầu tiên, Cục quản lý Khám chữa bệnh đã thành lập Trung tâm quản lý điều hành hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID-19 để đẩy mạnh hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa. Trung tâm có khả năng kết nối đến 23 điểm cầu trọng điểm chống dịch và trên 1.400 bệnh viện trên cả nước.
Hàng trăm buổi hội chẩn quốc gia và họp chuyên môn trực tuyến để nâng cao công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 đã được thực hiện, giúp nâng cao năng lực xử lý dịch bệnh của hệ thống khám, chữa bệnh, kịp thời đối phó với các cấp độ kịch bản bệnh dịch...
Theo Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, trong thời gian tới, Bộ Y tế tập trung xây dựng hướng dẫn chuyển đổi số khám chữa bệnh, quy trình triển khai bệnh án điện tử, bảo mật, an ninh an toàn dữ liệu; sửa đổi tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện theo hướng chuyển đổi số. Đồng thời xây dựng cơ chế tài chính hỗ trợ chuyển đổi số khám chữa bệnh, hướng dẫn lập dự án đầu tư công nghệ thông tin… Tiếp tục hoàn thiện các nền tảng số: Hồ sơ sức khoẻ điện tử, Trạm Y tế xã, Khám chữa bệnh từ xa, Kê đơn thuốc điện tử.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở triển khai Đề án 06 (liên thông giấy chứng sinh, báo tử, khám sức khoẻ lái xe), kê đơn điện tử, hồ sơ sức khoẻ điện tử, bệnh án điện tử, cơ sở dữ liệu nguyên nhân tử vong; kiện toàn mạng lưới quản lý công nghệ thông tin.
Các doanh nghiệp công nghệ thông tin nghiên cứu phát triển các ứng dụng trên nền tảng Web, Cloud để giảm chi phí, rút ngắn thời gian triển khai, vận hành bảo trì; tổ chức các loại hình cung cấp dịch vụ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở khám chữa bệnh, giảm chi phí; nghiên cứu phát triển các mô hình BigData, AI để hỗ trợ ra quyết định lâm sàng (DSS)…
Trong phiên họp chiều 16/11 với chủ đề: “Các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh”, các đại biểu được giới thiệu một số thành tựu mới trong việc kết hợp công nghệ thông tin và khám, chữa bệnh; Tối ưu và liền mạch dữ liệu kinh tế - y tế số; Nền tảng kho dữ liệu y tế - Tiến tới y tế thông minh toàn diện; Một số giải pháp chuyển đổi số của Viettel; kinh nghiệm và chuyên môn của Vương quốc Anh trong lĩnh vực chuyển đổi số trong Y tế…
Trong ngày 17/11, gần 20 tham luận của các bộ, ban ngành, bệnh viện, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp với các chủ đề “Chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh”, “Các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh” sẽ tiếp tục được trình bày tại Hội thảo.
Theo TTXVN