ClockThứ Hai, 14/11/2022 07:43

Bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế và cơ sở y tế

Hiện nay, một số địa phương đang đứng trước nguy cơ vượt dự toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2022, đồng thời công tác thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các cơ sở y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội cũng có những vướng mắc cần được tháo gỡ...

Bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tếTập trung đấu thầu thuốc, vật tư y tế cho khám chữa bệnh BHYTĐẩy mạnh sử dụng căn cước công dân gắn chip trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Hội nghị giao ban toàn ngành bảo hiểm xã hội về thực hiện chính sách bảo hiểm y tế tháng 11/2022.

Theo thống kê của Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), tính đến ngày 30/10/2022, phần mềm giám định bảo hiểm y tế ghi nhận kết quả từ chối qua giám định 555,4 tỷ đồng (trong đó: từ chối tự động là 81,2 tỷ đồng/930.795 hồ sơ, từ chối chủ động là 474,2 tỷ đồng).

Các chuyên đề do Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến thông báo tại các địa phương (gồm 34 chuyên đề cần tập trung giám định), đề nghị bảo hiểm xã hội các tỉnh kiểm tra số tiền là 33,4 tỷ đồng, kết quả các tỉnh báo cáo đã thu hồi được là 9,2 tỷ đồng/20,2 tỷ đồng...

Bội chi cục bộ tại nhiều địa phương

Tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tháng 11/2022, chia sẻ về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế 10 tháng đầu năm 2022, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Lê Văn Phúc cho biết, theo số liệu các cơ sở đề nghị quyết toán ghi nhận trên hệ thống giám sát của 63 tỉnh, thành phố (chưa bao gồm số chi của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, công an nhân dân), toàn quốc có số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, tổng số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là 121.352.198 lượt với tổng số chi bảo hiểm y tế là hơn 97.132 tỷ đồng. Tính bình quân chi mỗi lượt khám, chữa bệnh ngoại trú là 329.871 đồng/lượt, bình quân điều trị nội trú là: 5.044.308 đồng/lượt.

Theo Trưởng ban Lê Văn Phúc, căn cứ tình hình thực hiện chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế 10 tháng năm 2022, ước sử dụng dự toán cả năm 2022 trên toàn quốc là 99% (không bao gồm đối tượng Nghị định số 70 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu).

Nhưng đáng lưu ý là theo số liệu hiện tại, ước tính sẽ có 18 tỉnh vượt dự toán năm 2022 được Chính phủ giao, đặc biệt một số địa phương có tỷ lệ vượt dự toán cao như: Hà Tĩnh, Bắc Giang, Phú Thọ, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Đồng Nai, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng…

Thông tin rõ hơn về chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thời gian qua, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến Nguyễn Tất Thao cho biết: Đến ngày 30/10/2022, tỷ lệ sử dụng dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế toàn quốc là 79,1%, tăng 8,6% so cùng kỳ năm trước, trong đó 20 tỉnh, thành phố có tỷ lệ sử dụng dự toán cao hơn bình quân chung toàn quốc.

Đáng chú ý, tỷ lệ một số dịch vụ kỹ thuật vẫn mức cao như tỷ lệ chi xét nghiệm/tổng chi toàn quốc là 10,1%; chi chẩn đoán hình ảnh là 7,6%; chi phẫu thuật thủ thuật là 18,1%; chi thuốc là 34,7%... Số chi vật tư y tế chiếm 11,1% tổng chi, nhưng tính trên số tiền thì gia tăng 33,2% so với 10 tháng năm 2021...

Đặc biệt, thống kê cho thấy, tỷ lệ chỉ định vào viện điều trị nội trú toàn quốc trong 10 tháng năm 2022 là 10,3%. Trong đó, có 32 tỉnh có tỷ lệ vào điều trị nội trú cao hơn bình quân chung toàn quốc... Riêng với khám, chữa bệnh nội trú trái tuyến tại các bệnh viện tuyến tỉnh, cả nước có 2.024,9 nghìn lượt khám, chữa bệnh, tăng 39,6% (574,9 nghìn lượt). Tổng chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là 10.701,14 tỷ đồng, tăng 34,1% (bằng 2.718,58 tỷ đồng) so cùng kỳ năm trước.

Bảo đảm quyền lợi người tham gia, quyết toán đúng, đủ cho cơ sở y tế

Tại hội nghị, các địa phương có nguy cơ vượt dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng chia sẻ những khó khăn khiến chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng cao thời gian qua, như: Tình trạng một số cơ sở y tế tìm mọi cách thu dung người bệnh khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe; chỉ định nhiều dịch vụ không thật sự cần thiết; tăng chỉ định vào nội trú và mức chi phí bình quân/lượt điều trị...

Đại diện lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh cũng báo cáo tình trạng một số cơ sở y tế có sự bất cập về tỷ lệ số lượng dịch vụ kỹ thuật được chỉ định với số nhân lực có thể thực hiện dịch vụ này cho người bệnh trong thực tế.

Theo tính toán, thời gian thực hiện mỗi chỉ định này không bảo đảm được theo hướng dẫn của Bộ Y tế về định mức kinh tế kỹ thuật... Một số địa phương cũng đã báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh, đề nghị tăng cường chỉ đạo về công tác này; đề nghị cơ sở khám, chữa bệnh chỉ định dịch vụ kỹ thuật hợp lý, phù hợp thực tế bệnh lý và năng lực của cơ sở y tế...

Đánh giá về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, giám định chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho biết, thời gian qua, toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nỗ lực phối hợp ngành y tế bảo đảm quyền lợi cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế trong việc phối hợp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; tạo điều kiện thuận lợi trong khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, trước thực tế hiện nay, với nhiệm vụ quản lý, giám sát quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, yêu cầu các ban chuyên môn, Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế phối hợp Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến hướng dẫn bảo hiểm xã hội các địa phương triển khai lập danh sách cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu và ký hợp đồng khám, chữa bệnh năm 2023.

“Thực hiện đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tuân thủ đúng các quy định cũng là giải pháp hiệu quả để quản lý quỹ”-Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh.

Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng yêu cầu các địa phương phải phân tích rõ các chi phí bất thường, các nhóm dịch vụ kỹ thuật, sử dụng thuốc, vật tư y tế chưa hợp lý. Chủ động phối hợp sở y tế thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng lạm dụng, sử dụng quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa tiết kiệm, lãng phí; báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản chỉ đạo để đạt mục tiêu quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế và bảo đảm quyền lợi của người tham gia; đồng thời mỗi địa phương cần xây dựng kế hoạch bảo đảm quản lý hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế trong hai tháng còn lại của năm 2022.

Bên cạnh đó, bám sát các hướng dẫn của Bộ Y tế về định mức kinh tế kỹ thuật; các tiêu chí chỉ định bệnh nhân vào nội trú; thủ tục hành chính khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng người, đúng thẻ... để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế. Yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện chuẩn hóa dữ liệu theo Quyết định số 4210/QĐ-BYT của Bộ Y tế, từ ngày 1/1/2023 Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ chỉ tiếp nhận những đề nghị thanh toán trên dữ liệu đạt chuẩn này...

Theo nhandan.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển khai các giải pháp thực hiện chính sách bảo hiểm

Chiều 26/9, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2024. UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh Nguyễn Thanh Bình chủ trì hội nghị.

Triển khai các giải pháp thực hiện chính sách bảo hiểm

TIN MỚI

Return to top