ClockThứ Hai, 31/07/2023 15:00

Gia tăng ca bệnh tay chân miệng nặng

TTH - Tình hình dịch tay chân miệng (TCM) diễn biến căng thẳng tại phía nam dẫn tới cảnh báo sắp hết thuốc điều trị. Tại Bệnh viện Trung ương Huế, vài tuần trở lại đây, các trường hợp bệnh thể nặng có dấu hiệu tăng. Có bệnh nhi ngoại tỉnh chuyển đến phải hồi sức tích cực mới qua cơn nguy kịch.

Điều trị thành công nhiều ca mắc tay chân miệng nặng​Bệnh tay chân miệng – các dấu hiệu cảnh báo nặng

leftcenterrightdel
Khi trẻ bị TCM, gia đình cần chăm sóc, theo dõi sát 

Một số trường hợp phải thở máy

Bệnh nhi (BN) Ngô Q. Th. (5 tuổi, Quảng Bình) là một trong những ca mắc TCM chủng EV71. Sau khi chân tay nổi bọng nước, sốt cao không giảm, tại Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba ở Quảng Bình, BN diễn biến nặng, Th. được chuyển vào cấp cứu tại Khoa Hồi sức tích cực – Cấp cứu Nhi, Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế. Sau 10 ngày điều trị, Th. còn sốt nhẹ và nổi ban đỏ khắp người. Trước đó 1 tuần, anh trai song sinh của Th. cũng mắc bệnh này song nhẹ hơn.

Chị Nguyễn Thị T. H., mẹ Q.Th, kể: “Nghe báo đài thông tin mình cũng đề phòng, song không ngờ bệnh cháu diễn biến nhanh do mắc chủng nặng. Cánh cửa phòng cấp cứu khép lại, tôi bật khóc, ngã quỵ. Hàng ngày, các bác sĩ thông báo cho tôi biết tình trạng của cháu, loại thuốc được sử dụng điều trị nên gia đình bớt lo. Giờ con qua cơn nguy kịch, chuẩn bị được ra viện. Gia đình mừng lắm”.

Nằm cùng phòng với Q.Th. còn có rất nhiều các bé khác bị TCM. Bé Nguyễn Thị B.H. (14 tháng tuổi ở TP. Huế) nhập viện ngày thứ ba. Lưỡi bé bị loét nặng, sốt 39 độ không giảm. Bé bỏ uống sữa và quấy khóc liên tục.

Tương tự, bé Nguyễn G.H. hơn 1 tuổi ở TP. Huế nhập viện với biểu hiện rõ nét với tay chân nổi nhiều bọng nước, nhức, ngứa. Người nhà bé cho hay, bé sốt rất cao, uống hạ sốt nhưng vẫn không thuyên giảm. Vào viện điều trị gần một tuần, đến nay sức khỏe bé dần ổn định.

Thống kê của Trung tâm Nhi, thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân TCM, đặc biệt là các trường hợp nặng tăng cao. Từ đầu năm đến nay, khoảng 70 ca bệnh nhập viện, trong đó 6 trường hợp dương tính với chủng virus EV71. Nhiều bệnh bị nặng từ cấp độ 2b trở lên đến cấp độ 3, một số BN phải thở máy. Qua điều trị, tất cả các ca bệnh nặng đến thời điểm này sức khỏe đã bình phục, nhiều ca đã ra viện.

leftcenterrightdel
Kiểm tra phát ban trên người của trẻ bị chủng EV71 

Theo dõi sát, tránh biến chứng

TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra với biểu hiện đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước. Các nốt phỏng nước này xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng của trẻ, đầu gối và mông.

Thủ phạm gây bệnh này là nhóm virus đường ruột, điển hình là virus Coxsackievirus A16 (nhóm A16) và Enterovirus 71 (EV71). Trong đó, virus Coxsackievirus A16 là loại thường gặp nhất với các triệu chứng ở thể nhẹ, ít biến chứng, thường tự khỏi. Còn EV71 gây bệnh nặng hơn, biến chứng nguy hiểm tới thần kinh, tim mạch, phổi; thậm chí có thể gây tử vong.

Hầu hết các ca bệnh TCM đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên nhiều trường hợp, bệnh diễn biến nhanh, chỉ nửa ngày đã chuyển sang cấp độ nặng hơn, làm tăng nguy cơ suy hô hấp và biến chứng. Chính vì vậy, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý khi trẻ mắc bệnh.

ThS. BS. Trần Thị Hạnh Chân, Trưởng khoa Tiêu hóa – Tiết niệu – Bệnh nhiệt đới nhấn mạnh: “Phát hiện sớm bệnh TCM ở trẻ là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho việc điều trị được thuận lợi. Trẻ bệnh được chăm sóc và theo dõi sát, hạn chế những rủi ro có thể gây tác hại xấu đến sức khỏe của trẻ nếu phát hiện và điều trị quá trễ”.

Một trong những biểu hiện rất thường gặp ở trẻ nhỏ khi mắc TCM là tình trạng loét miệng. Vị trị loét nhiều nhất là vùng hầu họng (gần lưỡi gà), đôi khi xuất hiện ở niêm mạc má, môi hoặc lưỡi… Có trẻ có thể bị sốt nhẹ, nhiệt độ thường từ 37,5 độ C – 38 độ C. Tuy nhiên, có trẻ bị sốt cao trên 39 độ C liên tục là một trong những dấu hiệu gợi ý trẻ bị TCM đã nghiêm trọng, cần đến ngay các cơ sở y tế.

Hầu hết những trẻ mắc TCM độ nhẹ đều được bác sĩ cho theo dõi và chăm sóc tích cực tại nhà theo những nguyên tắc: Cách ly đúng cách giữa trẻ bệnh – trẻ lành để hạn chế sự lây nhiễm; giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ bệnh giúp trẻ mau lành bệnh; tạo môi trường sống trong lành và an toàn giúp trẻ khỏe mạnh hơn; sử dụng thuốc điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ.

Hiện, bệnh TCM chưa có thuốc đặc trị, BN được điều trị cơ bản chủ yếu là điều trị triệu chứng. Trong khi một số bệnh viện ở phía nam đưa ra cảnh báo sắp hết thuốc điều trị TCM thì Bệnh viện Trung ương Huế thông tin, đơn vị đảm bảo thuốc, phương tiện, vật tư, nhân lực chuyên sâu phục vụ điều trị các ca TCM nặng tại địa phương và bệnh chuyển tuyến.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo gia đình nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện nếu thấy trẻ có một trong những biểu hiện: Sốt cao liên tục 39 độ C không hạ sau khi đã hạ sốt tích cực; trẻ giật mình chới với, hốt hoảng, thất thần; run chi/ yếu chi; trẻ đi đứng loạng choạng; nôn ói nhiều; quấy khóc; co giật…

Bài, ảnh: LINH TUỆ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khí thải nitơ oxit gia tăng, đe dọa tầng ôzôn và sức khỏe con người

Theo một đánh giá toàn cầu mới của Liên hợp quốc, nitơ oxit (N₂O) - một loại khí nhà kính mạnh, đang đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu và làm hỏng tầng ôzôn, đe dọa mục tiêu kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C và gây ra mối nguy hại nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.

Khí thải nitơ oxit gia tăng, đe dọa tầng ôzôn và sức khỏe con người
Chỉ 1 ca dương tính với bệnh sởi

Chiều 16/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho hay, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 16 ca sốt phát ban nghi sởi tập trung ở 5/9 huyện, thị và thành phố. Trong đó, Phong Điền, Quảng Điền, Nam Đông mỗi huyện đều có 4 ca bệnh. Riêng 1 bệnh nhi ở Quảng Điền có kết quả dương tính với bệnh sởi.

Chỉ 1 ca dương tính với bệnh sởi
Người mắc ung thư ngày càng tăng, xu hướng trẻ hóa

Đây là kết quả đánh giá được đưa ra tại hội nghị khoa học Phòng chống ung thư diễn ra ngày 23/8. Hội nghị chuyên ngành quan trọng này thuộc chương trình hoạt động hàng năm của Hội Ung thư Việt Nam do Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế và Trường Đại học Y Dược, ĐH Huế phối hợp tổ chức.

Người mắc ung thư ngày càng tăng, xu hướng trẻ hóa

TIN MỚI

Return to top