Phẫu thuật vi phẫu tại BV Trung ương Huế
Cuối năm 2018, Khoa PTTHTM - BT tiếp nhận bệnh nhân Trương B. (76 tuổi. TP Huế) bị u đỉnh đầu diện rộng, xâm lấn đến bản sọ và màng cứng trong tình trạng nguy kịch. Đây là một trường hợp mà nhiều bác sĩ công tác ở BV Trung ương Huế chia sẻ chỉ mới gặp lần đầu. Bệnh này cần can thiệp phẫu thuật sớm, nếu không sẽ nguy kịch đến thần kinh, đầu sọ. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ tại Khoa PTTHTM - BT tiến hành cắt bỏ khối u, như hút áp lực âm, cưa bản sọ, khâu nối lại màng cứng, che phủ các khuyết hỏng xương sọ bằng vạt vi phẫu lấy từ cơ lưng.
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 8 giờ đồng hồ, với sự phối hợp gây mê hồi sức, kiểm soát tốt các chỉ số về hô hấp và huyết động, nhưng các bác sĩ rất thận trọng vì phải phẫu thuật trên phạm vi gần như toàn bộ hộp sọ. Sau ca phẫu thuật căng thẳng và thách thức, chỉ 2 ngày sau các vết mổ liền tốt, sức khỏe bệnh nhân B. ổn định và hồi phục.
Cách đây chừng một tháng, khoa đã phẫu thuật cắt bỏ khối u sọ bằng vạt vi phẫu lấy từ cơ lưng thành công cho bệnh nhân LTM (68 tuổi, Quảng Trị) do bị ung thư sọ đã di căn. Đây là trường hợp rất nguy kịch. Hơn nữa, sức khỏe bệnh nhân M. rất yếu, đòi hỏi ê kíp của khoa tiến hành phẫu thuật bằng vạt vi phẫu lấy từ cơ lưng qua nhiều lần. Sau thời gian điều trị tích cực, các vị trí được ghép nối vùng đầu, sọ ổn định, sức khỏe của bệnh nhân hồi phục. Trong vài ngày tới bệnh nhân M. sẽ chuyển sang Trung tâm Ung bướu, BV Trung ương Huế để tiếp tục điều trị. Gặp chúng tôi, bà M. nói: "Tôi may mắn gặp được bác sĩ Hồ Mẫn Trường Phú đã tận tâm cứu giúp nên mới qua được tình trạng "thập tử nhất sinh". Tôi vô cùng mang ơn bác sĩ ấy".
Phẫu thuật vi phẫu nối các chi đứt lìa tại BV Trung ương Huế
Cùng với việc triển khai thành công kỹ thuật trên, Khoa PTTHTM-BT còn điều trị và phẫu thuật thành công nhiều kỹ thuật khó bằng vi phẫu, như phẫu thuật nối các chi bàn tay, cẳng tay bị đứt lìa; phẫu thuật huyết hỏng phần mềm cơ thể; chuyển ghép gân; phẫu thuật khớp giả xương thuyền bằng ghép xương có cuống mạch nuôi; phẫu thuật khớp gối khó tổn thương lâu ngày, người lớn tuổi...
TS. BS. Hồ Mẫn Trường Phú, Trưởng Khoa PTTHTM-BT, Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình-PTTH, BV Trung ương Huế cho biết, trước đây hàng năm chỉ thực hiện khoảng vài chục ca thay khớp gối, khớp háng, kết nối các chi chân tay đơn giản. Khá nhiều trường hợp bị tai nạn lao động, giao thông... đứt lìa tay, chân phải chịu khuyết tật dị dạng, tạo gánh nặng cho gia đình người thân, xã hội. Tuy nhiên, từ những năm cuối thập niên 90, một vài bác sĩ trong đơn vị đã nghiên cứu, nhất là sớm nắm bắt các kỹ thuật tiến tiến từ Hoa Kỳ, Úc, Pháp... cùng với sự quan tâm của lãnh đạo BV Trung ương Huế đầu tư nhiều trang thiết bị cho điều trị chuyên sâu về chấn thương chỉnh hình, nhất sử dụng kính hiểm vi 3D VTom nên đã xử lý thành công hầu hết những ca bệnh phức tạp, trở thành một địa chỉ uy tín, thương hiệu về điều trị phẫu thuật chấn thương chỉnh hình tại Việt Nam.
Hiện, bình quân mỗi tháng, khoa PTTHTM-BT đón nhận và xử lý không dưới 50 ca bệnh khó đến từ các vùng miền trong cả nước vốn lâu nay phải ra nước ngoài chữa trị, phẫu thuật; trong đó hơn 90% ca bệnh được phục hồi nguyên trạng, không để lại những dị dạng, khuyết tật.
Không chỉ làm chủ triển khai thường quy các kỹ thuật tiên tiến nói trên, Khoa và Trung tâm Chấn thương chỉnh hình-Phẫu thuật tạo hình, BV Trung ương Huế thường phối hợp với các đoàn chuyên gia quốc tế đến Hoa Kỳ, Úc , Pháp... tổ chức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật mới phẫu thuật di tật bàn tay, chân, sọ não... cho bác sĩ Việt Nam. Sau khi chuyển giao, nhiều bác sĩ triển khai thành công các kỹ thuật phẫu tạo hình người lớn, trẻ em, nội soi tái tạo dây chằng khớp vai, vi phẫu bàn tay, vi phẫu tạo hình…
Bài, ảnh: Minh Văn