Cán bộ Bảo hiểm Xã hội giám sát chi phí khám chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa Thái Nguyên. Ảnh tư liệu: Dương Ngọc/TTXVN
Theo Quyết định, giao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn quốc năm 2022 là 92,6%, năm 2023 là 93,2%, năm 2024 là 94,1%, năm 2025 là 95,15%. Trong đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm 2022 thành phố Hà Nội là 91,66%, Thành phố Hồ Chí Minh là 91,25%, tỉnh An Giang 92%, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 91,5%, tỉnh Bạc Liêu 91,25%, tỉnh Bắc Giang 93,5%,…
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch và giải pháp triển khai thực hiện để đạt chỉ tiêu được giao; thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về người lao động, tiền lương của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để rà soát, đối chiếu và xử lý tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân để bố trí ngân sách địa phương và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ thêm cho người dân tham gia bảo hiểm y tế. Cụ thể, tập trung hỗ trợ người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 9 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, bảo đảm đạt mục tiêu 100% các đối tượng này tham gia bảo hiểm y tế.
Hỗ trợ người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên để tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của các nhóm đối tượng này. Hỗ trợ các đối tượng khác trên địa bàn thuộc quyền quản lý.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, đôn đốc bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng tham gia; mở rộng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế…
Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, y tế các Bộ, ngành, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, tinh thần, thái độ phục vụ người tham gia bảo hiểm y tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo thuận lợi khi người tham gia bảo hiểm y tế tăng.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu đề xuất Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế: bổ sung đối tượng thuộc các nhóm chưa quy định trong Luật Bảo hiểm y tế hiện hành.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên, đảm bảo đến năm 2023 có 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế; phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tăng cường thông tin, truyền thông, vận động học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, nhất là sinh viên; đưa tiêu chí học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế vào tiêu chí đánh giá xếp loại, thi đua hàng năm của các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Theo Báo Tin tức