Khám bệnh ngày đầu năm ở Bệnh viện Trung ương Huế
Hậu quả của mưa lạnh và ăn uống không hợp lý
Khoa Khám bệnh Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế buổi sáng, chiều người đều phủ kín lối đi. Ngoài các trường hợp bệnh mãn tính tái khám nhận thuốc, nhiều trường hợp khác là bệnh cấp tính.
Ông Lê T.T., 70 tuổi từ Quảng Trị đến khám, kiểm tra thì phát hiện bị viêm dạ dày và tá tràng. Ngồi chờ con đi mua thuốc, ông T. kể: “Trước đây tôi đã có triệu chứng đau dạ dày rồi. Qua tết cơn đau dữ dội hơn và ảnh hưởng đến sinh hoạt nên được con chở vào đây kiểm tra. Cũng may bác sĩ cho điều trị ngoại trú và dặn dò về nhà kiêng một số thức ăn”.
Vợ chồng ông bà Hồ S.H., Nguyễn Th. N. ở Huế cùng có dấu hiệu ho kéo dài từ trước tết. Bà N. âu lo: “Ho kéo dài cả đêm không ngủ được. Có khi ho mà tè cả ra quần. Con cháu ở nhà thấy vậy giục đi khám cho yên tâm”. Sau khi khám, kiểm tra, chỉ định chụp X-quang, bác sĩ kết luận hai vợ chồng người bị viêm họng, người viêm phế quản. Sau một hồi tư vấn điều trị, bác sĩ khuyến cáo vợ chồng ông H. tránh sử dụng bia rượu, đá lạnh và phải giữ ấm cơ thể.
Tại Khoa Nhi – Tiêu hóa – Dinh dưỡng – Bệnh nhiệt đới (NTHDDBNĐ), bệnh nhi chủ yếu liên quan đến hô hấp và tiêu hóa. Đây là những căn bệnh có sự ảnh hưởng từ yếu tố thời tiết mưa lạnh.
BS CKII. Phạm Như Vĩnh Tuyên, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BVTW Huế thông tin, những ngày đầu năm mới, lượng người đến khám, chữa bệnh tăng cao. Nhận định tình hình, các khoa đều tổ chức nhân lực đáp ứng công việc. Ngoài các ca bệnh tiêu hóa, hô hấp, tim mạch… trước tết, đã có ca bệnh tử vong do mắc các bệnh nguy hiểm khi trời rét kéo dài.
ThS.BS. Thái Thị Thúy Vân, phụ trách Khoa Khám bệnh nhận định: “Lượng bệnh những ngày sau tết tập trung vào bệnh đường tiêu hóa, viêm phế quản, rối loạn tiền đình… Đây là những bệnh bị ảnh hưởng bởi tiết trời mưa lạnh và chế độ ăn uống thiếu hợp lý trong những ngày tết. Ngoài thăm khám, bác sĩ sẽ cho triển khai các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán rõ”.
Giữ ấm, không chủ quan
Trong số nhiều trường hợp đến khám và điều trị, các bác sĩ cảnh báo về tình trạng chủ quan với bệnh tật, dễ dẫn đến các biến chứng nặng. Một ca bệnh tuổi trung niên ở Huế sau khi khám và xét nghiệm phát hiện thiếu máu và xuất huyết đường tiêu hóa. Nguyên nhân là do sử dụng bia rượu quá đà trong tết.
Ra tết, ông Ng. T., ngoài 50 tuổi đến khám bệnh khi huyết áp dao động 180-200 mmHg. Ông T. trở về quê ăn tết sau khi làm ăn ở ngoại tỉnh. Trong tết, đầu ông thường đau nhức kèm theo một tay yếu khó cử động. Dù biết huyết áp tăng cao, nhưng ông không sử dụng thuốc hạ huyết áp. Khi đến khám, được tư vấn chụp cộng hưởng từ (MRI) thì ông T. từ chối với lý do để trở lại nơi làm việc kiểm tra luôn thể.
ThS.BS. Thái Thị Thúy Vân lưu ý: “Người lớn tuổi có bệnh mãn tính, hạn chế ra đường nếu nhiệt độ ngoài trời xuống thấp. Thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi có các triệu chứng đau đầu nhiều, tăng huyết áp, khó thở lập tức đưa đến bệnh viện. Với bệnh rối loạn đường tiêu hóa, nếu cơn đau tăng dần, đi cầu nhiều thì nên kiểm tra ngay, không được chủ quan”.
Kiểu thời tiết mưa lạnh vẫn còn diễn biến phức tạp, trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị tác động. ThS. BS. Trần Thị Hạnh Chân, Phó Trưởng khoa NTHDDBNĐ nhắn nhủ: “Ba mẹ nhớ ủ ấm đầy đủ cho trẻ. Đưa trẻ ra ngoài, phụ huynh nhớ kèm theo áo, khăn, mũ, tất. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nên ăn thức ăn ấm. Hạn chế tiếp xúc với những người nghi mắc bệnh. Có biểu hiện ho sốt, mệt mỏi, hãy đưa trẻ đến khám ở các cơ sở y tế”.
Người lớn tuổi, người có bệnh hen, phổi mãn tính dùng thuốc 1-2 đợt nhưng không cải thiện và lên cơn khó thở nên đưa đi nhập viện. Theo ThS.BS. Trương Viết Hoàng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu BVTW Huế, vừa qua, Khoa Cấp cứu BVTW Huế tiếp nhận các trường hợp tai biến, cảnh báo đột quỵ não dưới 30 tuổi. “Một bệnh nhân nhồi máu não cấp tắc mạch chỉ mới 29 tuổi. May mắn là khi đưa vào khoa được xử trí kịp thời nên được cứu sống. Tuy nhiên, có 2-3 trường hợp tương tự sau khi thở máy đã tử vong”, BS. Hoàng nói thêm.
ThS.BS. Trương Viết Hoàng đưa ra lời khuyên nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên để rà soát yếu tố nguy cơ. Tai biến hay xảy ra với người trên 60 tuổi và để lại di chứng lâu phục hồi, dấu hiệu mặt méo, liệt tay chân… dễ nhận biết nhất. Lên cơn hen suyễn, gọi 115 để đưa bệnh nhân cấp cứu kịp thời. Khoa Cấp cứu từng tiếp nhận một số ca chủ quan do hen suyễn, khi chuyển đến đã chết lâm sàng, sau 15-20 phút nếu không được xử trí kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, qua thống kê, đợt nghỉ tết vừa qua có 241 ca tai nạn giao thông phải nhập viện cấp cứu, điều trị; trong đó có 1 ca tử vong. Khoa Nội tiêu hóa tiếp nhận 5 trường hợp ngộ độc rượu, 1 ca đến nay mới hồi tỉnh trở lại.
Số ca tai nạn giao thông giảm khoảng 30% so với năm chưa xuất hiện dịch COVID-19. Theo đánh giá chung, nguyên nhân là do yếu tố thời tiết mưa lạnh hạn chế việc ra ngoài, sự vào cuộc kiểm tra ráo riết của lực lượng chức năng, nhận thức của người dân được nâng lên…
Bài, ảnh: LINH TUỆ