ClockThứ Hai, 31/10/2022 07:50

Không nên tự ý xét nghiệm cúm B, bác sĩ đưa ra cảnh báo về cúm ở trẻ

Trước những thông tin về bệnh cúm B, nhiều người lo lắng quá mức, tự ý xét nghiệm khi chưa thực sự cần thiết, gây lãng phí.

Không tự ý sử dụng thuốc Tamiflu kháng virus cúm mùaDịch cúm mùa có diễn biến bất thường sau COVID-19Khuyến cáo của Bộ Y tế về việc phòng chống bệnh cúm mùa

Trẻ mắc bệnh hô hấp, trong đó có cúm B phải nhập viện điều trị. Ảnh: Tạ Nguyên

Không nên quá lo lắng, tự ý xét nghiệm khi chưa cần thiết

Thấy con sốt cao đã 3 ngày kèm sổ mũi, ho, chị Nguyễn Thu Trang (ở Hoàng Mai, Hà Nội) cảm thấy lo lắng nên liên hệ xét nghiệm cho con; sau nửa ngày chờ đợi chị nhận kết quả con bị cúm B.

"Hiện nay đang có nhiều dịch bệnh cùng lúc, tôi rất lo lắng nên muốn xét nghiệm xem cháu bị bệnh gì để có hướng điều trị. Biết con bị cúm B, tôi cũng không rõ chủng cúm này như thế nào, có nguy hiểm không, nên phải tham khảo ý kiến bác sĩ để biết cách chăm sóc con", chị Trang cho biết.

Cũng có hai con cùng có triệu chứng sốt, ho và lớp học của các con có nhiều bạn bị ốm phải nghỉ học, chị Hoàng Thị Minh đưa con đi khám và được chẩn đoán mắc cúm B, đã chuyển sang viêm phế quản.

Chị Minh cho biết: "Mới trong vòng 2 tháng con tôi bị cúm tới 2 lần, lần trước cháu chỉ sốt ho, còn lần này tôi xét nghiệm mới biết cháu bị cúm B và đã có dấu hiệu viêm phế quản", chị Minh chia sẻ.

Đặc biệt, vừa qua thông tin về ổ dịch cúm B với hàng trăm trẻ mắc tại huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn đã khiến khiến nhiều người không tránh khỏi lo lắng về dịch cúm B, nhất là khi trong gia đình có trẻ có các dấu hiệu ho, sốt…

Trước những lo lắng của người dân về bệnh do virus cúm B, PGS.TS.BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Hiện đang là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, số lượng trẻ mắc các bệnh hô hấp đang có xu hướng gia tăng, trong đó có nhiều trẻ mắc cúm B. Mặc dù cúm B là một trong những chủng cúm mùa phổ biến ở nước ta và xảy ra hàng năm, nhưng không phải cha mẹ nào cũng hiểu đúng và đủ về bệnh, dẫn đến tâm lý chủ quan hoặc hoang mang lo lắng quá mức”.

Theo PGS.TS Tạ Anh Tuấn, thậm chí, có nhiều gia đình cũng quá lo lắng nên tự ý làm xét nghiệm cho con khi không cần thiết, gây lãng phí tiền bạc, hay tự sử dụng các loại thuốc không đúng làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ… là không nên.

Các dấu hiệu cảnh báo khi mắc cúm B:

Theo PGS.TS Tạ Anh Tuấn, cha mẹ cần biết về bệnh cúm B để biết cách chăm sóc, theo dõi trẻ khi mắc bệnh. Cụ thể, bệnh cúm B là một loại cúm mùa (có 4 type A, B, C, D) là loại virus thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Kể từ sau đại dịch COVID-19 các nghiên cứu thấy, trong số mắc cúm mùa, số ca cúm do chủng cúm B chiếm khoảng 40%, do cúm A chiếm 60%, rất hiếm gặp các chủng cúm C, D.

Cũng như cúm A, cúm B lây từ người sang người thông qua các giọt bắn nhỏ (có chứa virus cúm) trong không khí khi người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện; do trẻ chạm vào các bề mặt bị ô nhiễm bởi các giọt bị nhiễm bệnh rồi chạm vào miệng, mũi hoặc mắt của trẻ.

Thời gian ủ bệnh của bệnh cúm B từ 1- 4 ngày kể từ khi bị nhiễm virus cúm. Trẻ em và những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu có thể có thời gian ủ bệnh lâu hơn.

Cũng giống như mắc cúm A, các triệu chứng thường gặp với cúm B bao gồm: Sốt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, đau xương khớp, mệt mỏi cảm thấy kiệt sức. Trẻ em bị cúm cũng có thể có các triệu chứng tiêu hóa như: Buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.

Cũng theo PGS.TS Tạ Anh Tuấn, phần lớn các ca mắc bệnh cúm B ở thể nhẹ, tự khỏi; tuy nhiên virus cũng có thể gây biến chứng nặng như: Viêm phổi do virus hoặc do bội nhiễm vi khuẩn; bên cạnh đó cũng có các biến chứng nghiêm trọng khác nhưng rất hiếm gặp như: Viêm cơ tim, viêm não, viêm cơ tiêu cơ vân, suy đa cơ quan.

Theo đó, những đối tượng dễ bị biến chứng nặng do cúm gồm: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi), đặc biệt trẻ là trẻ dưới 2 tuổi; trẻ có các bệnh mãn tính như: Bệnh suy giảm miễn dịch, bệnh gan, bệnh thận, bệnh hen, bệnh phổi mãn, bệnh tăng áp phổi, trẻ được dùng các thuốc ức chế miễn dịch, mắc các bệnh ung thư, bệnh máu rối loạn chuyển hóa, béo phì…

Bác sĩ cũng lưu ý, chủ yếu các bệnh nhân mắc cúm B có thể điều trị và chăm sóc tại nhà. Đặc biệt, việc dùng thuốc kháng sinh không có hiệu quả đối với virus cúm; người dân chỉ dùng thuốc kháng virus trong một số trường hợp đặc biệt, tùy thuộc vào bệnh cảnh lâm sàng bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp.

Với các trẻ bị cúm nhẹ, chủ yếu điều trị triệu chứng như: Cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà với môi trường sạch sẽ, thoáng mát thông gió; dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ có sốt trên 38,5 độ C (các thuốc có thể sử dụng như Paracetamol hoặc ibuprofen); cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm, uống thêm nhiều dịch như: Nước quả, dung dịch orezol…

Đặc biệt, nếu trẻ có triệu chứng ho thì cha mẹ cho dùng các thuốc ho thảo dược; làm thông thoáng đường thở bằng cách nhỏ nước muối sinh lý.

Đặc biệt, khi trẻ các dấu hiệu sau cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám: - Trẻ sốt cao trên 39,5 độ C, dùng thuốc hạ sốt nhưng nhiệt độ không hạ, hoặc trẻ sốt cao trên 38,5 độ C quá 3 ngày không có xu hướng thuyên giảm.

- Trẻ thở nhanh, thở bất thường như: Thở rít, khò khè, rút lõm lồng ngực, co kéo cơ hô hấp.

- Mạch nhanh so với tuổi (khi trẻ không sốt) vân tím, lạnh chi (khi không sốt cao).

- Trẻ không chịu ăn, uống.

- Trẻ có biểu hiện mất nước như: Môi se, mắt trũng, niêm mạc miệng/lưỡi khô, khát nước đòi uống nước, hoặc đi tiểu ít (theo dõi thấy bỉm/tã ít ướt hơn bình thường).

- Thay đổi ý thức như: Trẻ không chịu chơi, quấy khóc, li bì, co giật...

- Trẻ lớn thấy kêu đau bụng/đau ngực, nôn nhiều..

Hoặc khi cha mẹ thấy lo lắng bất an về trẻ, hoặc với trẻ có các yếu tố nguy cơ gây bệnh nặng cũng cần đến cơ sở y tế để được tư vấn.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khuyến cáo du khách cảnh giác chiêu trò lừa đảo trên mạng

Lợi dụng nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, nhất là vào dịp lễ tết, mùa cao điểm du lịch và tâm lý muốn đi du lịch giá rẻ của một bộ phận người dân, nhiều đối tượng lừa đảo đã mạo danh công ty, khu nghỉ dưỡng, phòng vé bán combo, vé máy bay du lịch để lừa đảo du khách.

Khuyến cáo du khách cảnh giác chiêu trò lừa đảo trên mạng
Cảnh báo lũ trên lưu vực các con sông

Từ ngày 22 đến 24/11, trên các sông khu vực Thừa Thiên Huế khả năng xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ xảy ra ngập lụt, ngập úng kéo dài và trượt lở đất ở các địa phương.

Cảnh báo lũ trên lưu vực các con sông
Cảnh báo giả mạo cơ quan thuế để lừa đảo

Ngày 7/11, Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, hiện có một số đối tượng mạo danh cơ quan thuế gửi giấy mời người nộp thuế (NNT) làm việc, kiểm tra, thanh tra… nhằm mục đích đánh cắp thông tin doanh nghiệp (DN), thông tin cá nhân phục vụ mục đích xấu.

Cảnh báo giả mạo cơ quan thuế để lừa đảo

TIN MỚI

Return to top