Y tế cơ sở hỗ trợ người dân khi có dịch COVID-19 xuất hiện trên địa bàn
Tính đến 30/11, Thừa Thiên Huế đã ghi nhận có 3.328 ca F0. Trong số này, có 9 ca tử vong do già yếu và bệnh nền; 1.776 ca đã được điều trị khỏi và 1.543 ca đang điều trị. Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nguyễn Văn Phương đã nhấn mạnh: Ở thời điểm hiện tại, Thừa Thiên Huế chưa triển khai phương án điều trị và theo dõi sức khỏe của F0 tại nhà. Thừa Thiên Huế sẽ triển khai phương án này để ứng phó với tình huống dịch cao hơn khi năng lực thu dung, điều trị F0 của tỉnh vượt mức 5.000 trường hợp.
Người nhiễm COVID-19 được khẳng định dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm PCR hoặc test nhanh kháng nguyên có đủ các điều kiện sau đây được các cơ quan có trách nhiệm xem xét cho cách ly, theo dõi tại nhà: Không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ; trên 12 tháng và dưới 50 tuổi; không có bệnh nền theo hướng dẫn của ngành y tế; không đang mang thai và đã tiêm đủ 2 mũi hoặc 1 mũi vắc-xin phòng COVID-19 sau 14 ngày. F0 được theo dõi tại nhà cũng phải là người có thể tự chăm sóc bản thân, biết cách đo thân nhiệt, biết cách liên lạc với nhân viên y tế và có khả năng tự dùng thuốc theo đơn của bác sỹ. Trong trường hợp F0 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người khỏe mạnh, có kiến thức chăm sóc người nhiễm, biết cách phòng ngừa lây nhiễm để hỗ trợ người nhiễm. Hạn chế tối thiểu người chăm sóc.
Y tế cơ sở hỗ trợ người dân khi trên địa bàn xuất hiện dịch COVID-19
Để hỗ trợ các F0 được theo dõi tại nhà, tất cả các địa phương phải thành lập tổ y tế lưu động, sẵn sàng kích hoạt khi có các đối tượng F0 cách ly tại nhà trên địa bàn thôn/tổ dân phố/cụm dân cư. UBND cấp huyện sẽ thành lập tổ y tế lưu động cấp xã khi địa phương có số F0 vượt khả năng thu dung của các cơ sở điều trị, cách ly tập trung và có thể triển khai việc cách ly, theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà. Khi có chủ trương cách ly F0 không triệu chứng tại nhà, mỗi tổ y tế lưu động phụ trách mỗi cụm dân cư có khoảng 50-100 trường hợp nhiễm COVID-19. Mỗi tổ có ít nhất 5 người; trong đó, có 1 cán bộ có trình độ Cao đẳng y tế trở lên, 1 cán bộ y tế địa phương; 02 người là lực lượng huy động của địa phương; 1-2 sinh viên/học viên y khoa. Phải có tối thiểu 1 nhân viên y tế nắm rõ địa bàn dân cư được giao. Tổ vừa triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng, vừa kết nối giữa chăm sóc, quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời. Đồng thời, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn.
Trong tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, số lượng F0 ghi nhận trong cộng đồng cao, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã chỉ đạo ngành y tế huy động thêm đội ngũ y tế tư, nhân viên y tế đã nghỉ hưu trên địa bàn tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, huy động lực lượng sinh viên của các cơ sở đào tạo y tế trên địa bàn để tập trung hỗ trợ cho thành phố Huế - địa bàn có số lượng F0 trong cộng đồng tăng cao. Chuẩn bị lực lượng cho kế hoạch đưa các tổ y tế lưu động vào hoạt động, từ sớm ngành y tế cũng đã chủ động tập huấn và điều chỉnh nhân lực làm việc tại chỗ của các trạm y tế. Trong trường hợp nguồn nhân lực y tế tại chỗ của một địa phương không đáp ứng đủ, Sở Y tế sẽ điều chuyển lực lượng hỗ trợ từ các địa phương khác.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN