ClockThứ Tư, 07/06/2023 14:52

Lo ngại bệnh dại, số ca tiêm phòng tăng cao

TTH - Nhiều trường hợp chó cắn để lại vết thương nghiêm trọng. Các chuyên gia khuyến cáo, giải pháp duy nhất điều trị dự phòng bệnh dại chính là tiêm chủng.

Cập nhật & phòng bệnh khi covid-19 tái bùng phátChung tay đẩy lùi bệnh tan máu bẩm sinh vì sức khoẻ cộng đồngCơm và đái tháo đường:

leftcenterrightdel
 Nhiều trẻ đến tiêm vắc-xin phòng dại trong mùa hè

Mùa tập trung nhiều ca bệnh

Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), nhiều người xót xa trước cảnh một bé trai 16 tháng tuổi bị chó nhà cắn nhiều vết vào mặt.

Anh Nguyễn H.B., cha của bé ở phường Thủy Phương, TX. Hương Thủy cho hay, vợ chồng anh làm công nhân nên để con ở nhà. Chó nuôi đã nhốt vào chuồng, nhưng do bé chơi nghịch, tự ý mở cửa chuồng nên bị chó tấn công. Nghe tiếng trẻ kêu khóc, bà nội ra can thiệp kịp thời song phía mặt phải của bé bị cắn, cào nhiều nơi, chảy nhiều máu, phải khâu tổng cộng 17 mũi. Nhìn gương mặt con mới 16 tháng tuổi sưng húp, chi chít vết thương, chị Nguyễn T. Ng., mẹ cháu không cầm được nước mắt.

Đây là một trong số các trường hợp bị chó tấn công để lại nhiều vết thương. Trước đó, chị Lê T.D., một Việt kiều về quê nghỉ hè, chị bị chó trong nhà cắn vào tay và chân khi cho nó ăn. Nghe chị D. thét lên đau đớn, em gái chị đến giải cứu cũng bị chó cắn. Do vết cắn nghiêm trọng, chị D. phải tiêm huyết thanh kháng dại và vắc-xin phòng dại. Kế hoạch nghỉ dưỡng và về nước của chị bị xáo trộn hoàn toàn, chị D. phải đổi vé, dời lại chuyến bay, đứa con đi theo cùng chấp nhận đi học trễ vì phải ở lại cùng mẹ điều trị.

Khoảng 2 tiếng đồng hồ buổi sáng, có 5 người đến CDC tiêm phòng bệnh dại vì bị súc vật cắn, trong đó có 2 trường hợp phải tiêm huyết thanh kháng dại. Em Mai Văn H.T., học sinh lớp 7 ở TP. Huế trên đường đạp xe đi chơi bị chó dại cắn ở chân. Ngay sau khi xử lý sơ cứu, T. được người nhà chở ngay đến CDC xử lý vết thương, tiêm huyết thanh và tiêm vắc-xin phòng dại. Người nhà của em than thở: “Vết cắn quá sâu, thấy bác sĩ làm thuốc cho cháu mà tui xót cả ruột. Nhà e ngại, không nuôi chó song nào ngờ cháu lại gặp nạn ngoài đường”.

Không chỉ người lớn, trẻ em, ngay cả cán bộ thú y không cẩn thận cũng bị chó cắn khi đi làm. Ông Nguyễn Đ.M. làm nghề thú y đến CDC tiêm phòng dại với 2 vết cắn ở chân trái. Trong đợt tiêm phòng chó cho các gia đình trên địa bàn, ông bị chó cắn. 35 năm làm nghề thú y, đây là lần tiêm phòng dại thứ ba. Ông kể: “Tui tiêm nhà nớ 5 con chó, tới con thứ 4 thì hai con chó con bay ra cắn vào chân. May mang quần dày nên vết thương không nghiêm trọng”.

Mùa hè, bình quân mỗi tuần, CDC tỉnh đón nhận 50-70 ca tiêm phòng dại. ThS.BS. Ngô Kim Nhã, Phó Trưởng phòng Phòng khám Đa khoa CDC cho hay: “Mùa hè nắng nóng là mùa chó có biểu hiện bất thường, nguy cơ tăng bệnh dại, số lượng người đến tiêm phòng bệnh dại mùa hè tăng cao. Đối với một số trường hợp bị nhiều vết cắn, vết cắn sâu, nhạy cảm, bác sĩ sẽ có chỉ định tiêm thêm huyết thanh kháng dại cho bệnh nhân”.

Tỷ lệ tử vong do bệnh dại là 100%

Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Huế (BVTW Huế) từng tiếp nhận một số ca bệnh dại đến điều trị. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong của người bị bệnh dại thường là 100%.

Mới đây, khoa này tiếp nhận một bệnh nhân (BN) nam khoảng 30 tuổi, quê Quảng Trị. Cách ngày vào viện 1 tháng, anh này bị một con chó đi hoang cắn vào bàn tay trái, vết thương xây xát có máu. BN chỉ rửa vết thương bằng nước sạch, không băng bó, không tiêm phòng. Con chó sau đó bị dân làng đập chết. Tại BV đa khoa Quảng Trị, BN được chẩn đoán viêm não do dại và chuyển vào BVTW Huế.

Tại Khoa Bệnh nhiệt đới, BN có biểu hiện hung tợn, bất an, sốt nhẹ, sợ uống nước, phải uống từng ngụm một vì sợ nghẹn và khó thở, sợ gió… Do hoàn cảnh BN ở vùng cao khó khăn, Khoa đã kêu gọi kinh phí hỗ trợ giúp bệnh nhân thuê xe về nhà. Vài ngày sau, bệnh nhân này đã tử vong.

ThS.BS. Đặng Hoài Thu, Khoa Bệnh nhiệt đới BVTW Huế đưa ra lời khuyên: “Sau khi bị súc vật cắn, cào xước da, nên rửa vết cắn/cào dưới vòi nước chảy, không tác động mạnh vào vùng cắn, sát khuẩn bằng dung dịch sát khuẩn (cồn, cồn i ốt...), ca rô vết thương và đến các cơ sở y tế sau khi phơi nhiễm. Không nên đánh chết mà nên theo dõi súc vật sau khi cắn. Không nên đặt ngọc, dùng các loại thuốc giấu dân gian”.

Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật có vú máu nóng lây sang người. Phần lớn trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm, vết cào của động vật mắc bệnh… Do đó, khi virus xâm nhập sâu vào não bộ, người bệnh sẽ có biểu hiện sợ ánh sáng, gió, tiếng động; tăng tiết nước bọt; hạ huyết áp; khó nuốt. Tỷ lệ tử vong do bệnh dại là 100%, do đó khi đã có biểu hiện bệnh dại, khoa chuyên môn điều trị hỗ trợ chứ không điều trị đặc hiệu, đồng thời tư vấn rõ cho người nhà bệnh nhân biết để chuẩn bị tâm lý.

Trong năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong, từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 20 ca tử vong vì bệnh dại. Nguy cơ bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người là rất cao. Giải pháp duy nhất điều trị dự phòng bệnh dại là tiêm chủng, đồng thời nắm rõ thông tin ủ bệnh dại ở chó, mèo... Thời gian ủ bệnh dại có thể từ 7 ngày đến nhiều tháng sau tùy thuộc vào loài, vị trí vết cắn. ThS.BS. Nguyễn Lê Tâm, Phó Giám đốc phụ trách CDC tỉnh cho hay, sau một thời gian gián đoạn nguồn cung ứng, hiện CDC đã có huyết thanh kháng dại phục vụ cho trường hợp khẩn cấp, cấp cứu.

Bài, ảnh: L.TUỆ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phí sân bay ở châu Á - Thái Bình Dương có thể tăng cao để nâng cấp cơ sở hạ tầng

Với lưu lượng hàng không ở châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới, hành khách và các hãng hàng không có thể phải trả phí sân bay cao hơn nhằm giúp trang trải chi phí cải thiện cơ sở hạ tầng cần thiết để đáp ứng nhu cầu trong tương lai, ông Stefano Baronci, Tổng Giám đốc Hội đồng sân bay quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương & Trung Đông (ACI APAC & MID) nhận định.

Phí sân bay ở châu Á - Thái Bình Dương có thể tăng cao để nâng cấp cơ sở hạ tầng
Ghi nhận thêm 5 ca nghi ho gà, trong đó 1 ca xác định dương tính

Ngày 29/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) thông tin, trong hai tuần qua địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 5 ca nghi ngờ ho gà, trong đó 1 ca xác định dương tính. Hiện, các bệnh nhân đang được theo dõi điều trị tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế.

Ghi nhận thêm 5 ca nghi ho gà, trong đó 1 ca xác định dương tính
Lo ngại ho gà quay trở lại

Bệnh ho gà đang xuất hiện trên địa bàn tỉnh sau một thời gian dài vắng bóng. Bệnh nhi hầu hết dưới 3 tháng tuổi, trong đó có 1 ca dương tính được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Trung ương Huế.

Lo ngại ho gà quay trở lại

TIN MỚI

Return to top