Năm học 2017-2018, lương cơ sở từ mức 1.210.000 đồng tăng lên 1.300.000 đồng nên mức đóng BHYT của HS - SV điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, mức chênh lệch tăng thuộc phần trách nhiệm phải đóng của HS - SV chỉ là 2.835 đồng/người/tháng. Một số điểm mới của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung đối với nhóm HS - SV như việc thu theo năm tài chính cũng không còn là khó khăn sau 2 năm thực hiện đã đi vào nề nếp. Năm học trước, học sinh đã tham gia BHYT 15 tháng, thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết tháng 12/2016. Thực tế, quy định này đang mang lại thuận lợi cho tất cả các bên tham gia. Phụ huynh tránh được khó khăn do phải đóng nhiều khoản tiền vào cùng thời điểm đầu năm học. Các trường chỉ thực hiện thu BHYT một lần đến năm 2018 nếu HS-SV có nguyện vọng và tự nguyện đóng.
Một điểm lưu ý, thời điểm kết thúc năm học là tháng 5, nhưng phải hết tháng 6 học sinh lớp 12 mới kết thúc các kỳ thi tốt nghiệp, đại học nên tháng 7-8 là thời điểm để nhiều em quyết định học tiếp hoặc đi làm. Để không ảnh hưởng đến quyền lợi khi đi khám - chữa bệnh (KCB) cũng như ưu đãi do tham gia BHYT 5 năm liên tục, từ năm học 2017-2018, thời hạn thẻ BHYT của học sinh lớp 12 là đến hết 30/9.
Khám mắt cho học sinh bậc tiểu học
Theo quy định của Luật BHYT, học sinh, phụ huynh được quyền đăng ký KCB ban đầu tại một cơ sở KCB trong danh sách của cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) gửi cho các trường. Chi phí KCB BHYT HS-SV tại tuyến xã hưởng 100%; chi phí KCB trong trường hợp tổng chi phí của 1 lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở hưởng 100%.
Trước những quyền lợi được mở rộng, phụ huynh mong muốn cơ quan BHXH cần lập danh sách các cơ sở KCB trên địa bàn gửi về các trường và đăng công khai. Các đơn vị liên quan cần có thông tin đầy đủ về việc cơ sở KCB nào đã quá tải, không thể nhận thêm người bệnh để phụ huynh lựa chọn và đăng ký KCB ở cơ sở y tế khác. Đây là việc phân luồng người đăng ký, giảm tình trạng quá tải cho cơ sở KCB và bảo đảm quyền lợi cho người bệnh khi khám bệnh mà không phải chờ đợi lâu.
Năm học qua, quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HS-SV mắc các bệnh nan y, mạn tính, như điều trị suy thận bằng chạy thận nhân tạo (khoảng 80 triệu đồng/năm); điều trị ung thư, phẫu thuật tim mạch với chi phí từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng... Hơn nữa, khi người dân chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật, việc chăm sóc y tế dành cho HS-SV thường xuyên, liên tục có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Không chỉ giúp các em và gia đình phát hiện bệnh, điều trị các căn bệnh học đường, mà còn dự phòng, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường có thể dẫn tới những căn bệnh mạn tính nguy hiểm, đảm bảo sức khỏe các em trong tương lai.
Ông Hoàng Trọng Chính, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho rằng: "Vẫn còn tình trạng HS-SV chưa tham gia BHYT do nhận thức của người dân còn hạn chế. Một số cơ sở giáo dục chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm chỉ đạo triển khai BHYT học sinh tại các nhà trường, chưa quan tâm thích đáng đến công tác y tế trường học. Một số cơ sở giáo dục bậc đại học, cao đẳng, chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT HS-SV vào các khoản thu đầu năm học mà thiếu đi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho HS-SV". Mặc dù, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tư quy định sinh viên có thể bị xử lý từ nhắc nhở, khiển trách hoặc buộc thôi học nếu cố tình chậm, không nộp BHYT mà không có lý do chính đáng, nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế. Với những trường hợp sinh viên thuộc các hộ gia đình đông con, gặp nhiều khó khăn về kinh tế không thể tham gia BHYT thì hiện nay chưa có hướng giải quyết.
Năm học 2017- 2018 là năm đầu tiên BHXH Việt Nam thực hiện cấp mã số BHYT định danh duy nhất cho mỗi người tham gia. Mã số này sẽ gắn với quá trình tham gia BHYT, BHXH suốt đời của mỗi người, được cập nhật liên tục, giảm thủ tục khai báo lại thông tin của người tham gia khi cấp lại thẻ BHYT, đảm bảo quyền lợi ưu đãi của những người tham gia BHYT liên tục 5 năm trở lên, không trùng thẻ…
Để việc thực hiện BHYT HS-SV đạt tỷ lệ 100% bền vững, phụ huynh và học sinh cần nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ tham gia BHYT để đảm bảo ổn định về mặt tâm lý, sức khỏe và tài chính khi các em không may gặp rủi ro.
Bài, ảnh: Huế Thu