Ảnh minh họa
Năm 2018, Bộ Y tế đã thực hiện việc kiểm tra 100% lô thuốc nhập khẩu của các cơ sở sản xuất thuộc danh mục các nhà sản xuất thuốc nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng theo quy định của Luật Dược và Thông tư số 11/2018/TT-BYT, bảo đảm chỉ được đưa ra lưu thông, phân phối các lô thuốc đã có kết quả kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Bộ Y tế cũng đã triển khai quy định tại Luật Dược và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP về việc đánh giá 100% hồ sơ nhà máy sản xuất thuốc nước ngoài khi đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam, tăng cường kiểm tra thực tế tại cơ sở để bảo đảm chất lượng thuốc cung cấp vào thị trường.
Về công tác hậu kiểm, bên cạnh việc định kỳ đánh giá việc duy trì đáp ứng tiêu chuẩn Thực hành tốt của các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, phân phối thuốc, các cơ quan quản lý dược, trên cơ sở đánh giá nguy cơ, tiến hành các đợt kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện các cơ sở không bảo đảm duy trì đáp ứng tiêu chuẩn GPs.
Hệ thống kiểm nghiệm thuốc cả nước tiếp tục được đầu tư bổ sung nhân lực, trang thiết bị kiểm nghiệm… nâng cao năng lực kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành. Theo số liệu thống kê ban đầu, năm 2018, hệ thống đã lấy hơn 32 nghìn mẫu để kiểm tra chất lượng.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nhờ việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm cũng như áp dụng những biện pháp cứng rắn và có hiệu quả, chất lượng thuốc được duy trì và bảo đảm, được đánh giá là ở mức độ thấp khi so sánh với kết quả khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được công bố tháng 11-2017.
“Tính trên số mẫu thuốc lấy để kiểm tra chất lượng, tỷ lệ thuốc kém chất lượng của Việt Nam chiếm khoảng 2% và có xu hướng giảm, từ năm 2013 đến 2017 lần lượt là: 2,54%, 2,38%, 2%, 1,98% và 1,59%. Theo số liệu sơ bộ năm 2018, tỷ lệ thuốc kém chất lượng chiếm khoảng 1,6%”, Bộ trưởng cho hay.
Cũng theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ thuốc giả khoảng dưới 0,1% từ năm 2012 đến nay. Số lượng thuốc kém chất lượng phát hiện qua hoạt động tiền kiểm một số năm như sau: năm 2014 phát hiện 70 lô không đạt chất lượng, năm 2015 phát hiện sáu lô, năm 2016 chỉ phát hiện hai lô, năm 2017 phát hiện một lô. Năm 2018, các lô thuốc tiền kiểm đều đạt chất lượng trong 2.100 lô thuốc của 42 cơ sở sản xuất nước ngoài.
Theo Nhân dân