ClockThứ Hai, 31/05/2021 14:32
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống thuốc lá 31/5:

Nên cấm thuốc lá điện tử dưới mọi hình thức

TTH - Độc, hại cho cơ thể và môi trường là những điều mà các chuyên gia y tế chỉ ra trong thuốc lá điện tử (TLĐT) nhưng nhiều người vẫn sử dụng, nhất là giới trẻ.

Cần có quy định quản lý thuốc lá điện tửCảnh báo tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ

Thuốc lá điện tử cũng độc hại không thua gì thuốc lá truyền thống (ảnh minh họa)

Hại không kém thuốc lá thông thường

Anh LVP (Phú Bài, TX Hương Thủy) cho rằng, anh biết TLĐT qua bạn bè. Từ chỗ tò mò dùng thử đến nay thành thói quen. Theo anh P., TLĐT có nhiều loại, như loại dùng một lần, nhỏ gọn, dễ sử dụng; loại dùng nhiều lần, có sạc pin hay nạp điện để tiếp tục sử dụng. Hai loại này đều dùng tinh dầu tạo mùi hương nên thu hút giới trẻ tò mò. 

Hiện nay, TLĐT có những dạng phổ biến, như vape (thường là những loại máy to, hút ra rất nhiều khói và có nồng độ nicotin trong tinh dầu rất thấp) và Pod System (ra ít khói, có nồng độ nicotin cao và có cảm giác giống với hút thuốc lá hơn). Ngoài ra, có dạng IQOS thiết kế như cây bút, hoặc điếu thuốc xì - gà (cơ chế sử dụng nung nóng nhưng không tạo khói), với giá từ vài trăm ngàn đến 7-8 triệu đồng. Việc mua các sản phẩm TLĐT cũng dễ dàng vì có nhiều người kinh doanh online mặt hàng này (trên cả mạng xã hội hoặc lập các website riêng), người có nhu cầu chỉ cần qua mạng đặt mua là có hàng đến tận tay.

Theo bác sĩ Tôn Thất Độ, Phó trưởng Khoa hồi sức cấp cứu, BV TP. Huế, hiện nay giới trẻ có xu hướng chuyển từ sử dụng thuốc lá truyền thống sang TLĐT do suy nghĩ không độc hại và bị hấp dẫn bởi nhiều mùi hương khác nhau từ các loại tinh dầu. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, các chất acrolein, fomandehit và chất methylglyoxal trong tinh dầu khi đun nóng, hóa hơi hít phải dễ gây ung thư. Ngoài ra, TLĐT có chứa nicotine, không thua kém thuốc lá thông thường là chất gây nghiện cao, nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa...

Cấm dưới mọi hình thức

Tại hội thảo cung cấp thông tin về TLĐT và thuốc lá nung nóng được Tổng hội Y học Việt Nam cùng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh cuối năm 2020, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khẳng định, nicotin có trong thuốc lá nói chung, TLĐT nói riêng đều gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người hút và người hít phải khói. Theo Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), các nghiên cứu đã chứng minh, TLĐT có tác hại không thua kém thuốc lá truyền thống nên cần nghiêm cấm.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, năm 2015 chỉ có 0,2% dân số sử dụng TLĐT thì đến năm 2020, riêng lứa tuổi từ 13-17 sử dụng TLĐT đã chiếm 2,6%. Bên cạnh đó, theo Quỹ  Phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 40 nghìn trường hợp tử vong do các nguyên nhân từ thuốc lá.

Với thực trạng này, mong rằng ban ngành chức năng liên quan đẩy mạnh truyền thông phòng, chống thuốc lá truyền thống và cả TLĐT. Mọi người nên nhận thức rõ tác hại củaTLĐT, từ đó không sử dụng để bảo vệ sức khỏe bản thân.

Tại khoản 1, điều 2, Luật PCTH của thuốc lá năm 2012 nêu rõ, thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì -gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác. Vì vậy, các quy định cấm hút thuốc lá không chế tài được TLĐT vốn chỉ sử dụng các loại tinh dầu. Do đó, cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng ban hành khung pháp lý phù hợp để quản lý và có mức xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm liên quan đến TLĐT; đồng thời nên cấm hoàn toàn dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu, quảng cáo...

 Song Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhân rộng mô hình chuyển hóa địa bàn

Công tác phòng, chống ma túy (PCMT) và nhân rộng mô hình chuyển hóa tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn TP. Huế đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhân rộng mô hình chuyển hóa địa bàn
Trang bị kỹ năng và nâng cao ý thức phòng, chống đuối nước

Thời tiết bắt đầu bước vào những ngày nắng nóng. Đây là thời điểm mà các điểm bơi lội mở cửa trở lại, nhu cầu tắm sông, suối của người dân, nhất là các em nhỏ tăng cao. Vì vậy, cẩn trọng đuối nước luôn phải được đặt lên hàng đầu.

Trang bị kỹ năng và nâng cao ý thức phòng, chống đuối nước

TIN MỚI

Return to top