ClockThứ Sáu, 21/01/2022 05:26

Những người lo hậu sự cho người mất vì COVID-19

TTH - Chiều muộn một ngày giữa tháng 1, điện thoại của anh Nguyễn Đình Anh Khoa rung lên, đầu dây bên kia thông báo có ca vừa mất vì COVID-19 cần được hỗ trợ khâm liệm. Ngay lập tức, thông tin đó được anh Khoa chuyển đến các thành viên trong nhóm và trong tích tắc, họ xuất phát lên đường.

Trở lại trường, học sinh cần được hỗ trợ tâm lý

Các thành viên PUN75 khâm liệm người mất vì COVID-19. Ảnh: PUN75 cung cấp

Không phân biệt giàu nghèo

Gần chục thành viên trong trang phục bảo hộ, đeo khẩu trang kính che giọt bắn rồi lên ôtô chạy thẳng tới ngôi nhà ở phường Hương Sơ, TP. Huế, nơi có một người vừa qua đời vì COVID-19. Khâm liệm không phải là nghề của họ nhưng từ khi dịch bùng phát, có người mất họ đã không ngần ngại, tình nguyện làm công việc được xem là lặng lẽ nhưng cao cả, đầy tính nhân văn.

Các thành viên đó đến từ Hội Phản ứng nhanh 75, viết tắt PUN75 ra đời từ vài tháng nay để hỗ trợ lực lượng y tế, cơ quan chức năng phòng, chống dịch. Ban đầu, họ đảm nhiệm các công việc như khoanh vùng có dịch, test nhanh những người có nguy cơ, hỗ trợ bình oxy tại nhà, hỗ trợ di chuyển bà con dương tính đến nơi cách ly, điều trị và ngược lại… “Nhưng kịch bản khâm liệm cho những hoàn cảnh mất vì COVID-19 cũng được đội lên kế hoạch từ trước đó. Vì thế, quá trình làm công việc này không gặp nhiều khó khăn, tất cả phải tuân theo các quy trình, được giám sát chặt chẽ”, anh Nguyễn Đình Anh Khoa, người đồng sáng lập PUN75 chia sẻ.

Ngoài nhờ một số đơn vị chuyên khâm liệm huấn luyện, chỉ bày từ trước đó, những lần thực hiện việc khâm liệm cho người mất vì COVID-19 đầu tiên, PUN75 còn nhận được sự hỗ trợ và hướng dẫn từ một vài người chuyên thực hiện việc này. Cứ như thế, những lần tiếp theo, nhóm dần thạo việc và lên đường không kể ngày đêm, mưa nắng.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thi thể người nhiễm COVID-19 phải được xử lý càng sớm càng tốt, sau đó hỏa táng hoặc mai táng trong vòng 24 giờ kể từ khi tử vong. Do đó, các thành viên của độ PUN75 làm việc này luôn trong tinh thần “gọi là xuất phát”. Không phân biệt người qua đời là giàu hay nghèo, qua đời do mắc COVID-19, chỉ cần nhận được đề nghị hỗ trợ PUN75 sẽ đến tận nhà giúp vô điều kiện.

Thông thường, hội nhận được đề nghị từ chính quyền địa phương sở tại, hay chính người thân trong gia đình liên lạc đến đường dây nóng của PUN75, hoặc trực tiếp các thành viên để nhờ khâm liệm. Mỗi lần như thế, PUN75 cử khoảng 10 thành viên đảm nhận nhiệm vụ, thời gian cho một ca khâm liệm tùy theo có thể kéo dài khoảng vài giờ đồng hồ, tất cả miễn phí hoàn toàn.

Làm bằng cái tâm

Nếu nói không lo sợ có lẽ không thật, nhưng những thành viên làm công việc này đã vượt qua nỗi sợ bằng cách nghĩ mình đang giúp đồng bào mình, giúp những phận đời không may đi một đoạn cuối của cuộc đời, với tinh thần nghĩa tử là nghĩa tận.

“Khâu phòng hộ và phun khử khuẩn theo quy định, là yếu tố được đặc biệt chú trọng trước khi tiếp cận thi hài người qua đời”, anh Lê Cảnh Thành Luân, một thành viên của PUN75 từng tham gia công việc khâm liệm thi hài người mất vì COVID-19, nói. Trước khi đảm nhận công việc này, Luân từng có nhiều tháng liên tục làm tài xế vận chuyển các F0 từ nhà đến các khu cách ly, điều trị và ngược lại.

Khi có người mất vì COVID-19, Luân xung phong cùng nhiều anh em khác tình nguyện đến tận nhà khâm liệm, lo hậu sự. Anh Luân tâm sự, quá trình khâm liệm phải theo quy trình của Bộ Y tế, nhưng cũng phải hợp với nghi thức tâm linh cơ bản để an ủi vong linh người đã mất, cũng như thân nhân.

Theo anh Luân, quá trình khâm liệm, thân nhân người qua đời được yêu cầu phải giữ khoảng cách nhất định. Sau mỗi khâu khâm liệm, quấn thi hài người mất các thành viên PUN75 lại phải được phun khử, sát khuẩn một lần. Vì thế, quá trình khâm liệm, người làm nhiệm vụ phải trải qua rất nhiều lần phun khử khuẩn để đảm bảo an toàn cho chính họ và cho cả thân nhân người đã mất.

“Khi xong việc, những người khâm liệm sẽ dọn dẹp tất cả mọi thứ và phun khử khuẩn toàn bộ khu vực nhà trước khi bàn giao lại cho gia đình, cũng như chính quyền địa phương trong quá trình giám sát”, anh Nguyễn Đình Anh Khoa cho hay và tâm niệm, làm giúp việc gì cho người quá cố, cho bà con, cho cộng đồng trong thời điểm dịch bệnh mình cứ làm. Và khi đã làm, phải đúng quy định và bằng cái tâm chân thành với người quá cố.

Nhiều gia đình có người thân mất vì COVID-19 rất cảm kích khi chứng kiến thân nhân của mình được các thành viên PUN75 khâm liệm một cách chu toàn. Ơn nghĩa này khó nói hết thành lời. Còn với những thành viên PUN75, chừng nào bà con cần sự hỗ trợ, ngay lập tức họ sẽ có mặt.

NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thuốc giảm cân hỗ trợ giảm nguy cơ tử vong vì COVID-19

Hãng tin CNBC ngày 3/9 đưa tin, theo kết quả của một loạt nghiên cứu được Tạp chí Journal of the American College of Cardiology (JACC) - tờ tạp chí tim mạch uy tín nhất của Mỹ thực hiện, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những người sử dụng thuốc giảm cân Ozempic và Wegovy ít đối diện với nguy cơ tử vong vì COVID-19 hoặc bị tác dụng phụ từ loại virus này.

Thuốc giảm cân hỗ trợ giảm nguy cơ tử vong vì COVID-19
WHO cảnh báo sự quay trở lại đáng lo ngại của COVID-19

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 7/8 đã lên tiếng cảnh báo khi các ca nhiễm COVID-19 đang tăng vọt trên toàn thế giới - bao gồm cả ở Thế vận hội Paris đang diễn ra, và gần như khó có thể suy giảm trong thời gian tới. Cơ quan này cũng lo ngại rằng các biến thể nghiêm trọng hơn của virus SARS-CoV-2 có thể sẽ sớm xuất hiện và lây lan.

WHO cảnh báo sự quay trở lại đáng lo ngại của COVID-19
Giúp 1.000 nữ nông dân nghèo phục hồi, phát triển sinh kế bền vững

Ngày 20/7, Hội Chữ Thập đỏ (HCTĐ) tỉnh, tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Đại sứ quán New Zealand tại Hà Nội tổ chức hội thảo tổng kết dự án "Phục hồi sinh kế sau COVID-19 cho nữ nông dân tại các xã đặc biệt khó khăn và các xã khó khăn tại Thừa Thiên Huế". Tham dự có bà Caroline Rachel Beresford, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam.

Giúp 1 000 nữ nông dân nghèo phục hồi, phát triển sinh kế bền vững
Return to top