ClockThứ Ba, 18/01/2022 07:00

Trở lại trường, học sinh cần được hỗ trợ tâm lý

TTH - Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều em học sinh trên địa bàn không thể đến trường mà phải học trực tuyến trong thời gian dài, do đó nhiều em gặp các vấn đề về tâm lý.

Đón học sinh tiểu học trở lại trường: Nỗ lực tốt nhất có thểHọc sinh tiểu học sẽ trở lại trường vào ngày 3/1

Vẽ tranh cũng là cách giải tỏa tâm lý cho học sinh

Chị Nguyễn Thu Lan có hai cậu con trai đang học Trường tiểu học Quang Trung (TP. Huế) cho biết: Gần đây, ở nhà các con thường xuyên mất tập trung trong giờ học trực tuyến và liên tục đòi đến lớp, đôi lúc còn chống đối việc học. Nếu kéo dài việc học trực tuyến, e rằng tâm lý các con sẽ bất ổn. Cô Tường Vy, một giáo viên của Trường tiểu học Quang Trung cũng chia sẻ, học sinh chịu tác động dịch COVID-19 có thể có biểu hiện suy giảm trí nhớ, khó tiếp thu bài học, căng thẳng, lo âu. Ngoài ra, học trực tuyến trong thời gian dài thiếu sự tương tác trực tiếp với giáo viên, học sinh dễ chán nản, không có hứng thú học tập.

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội Lê Triều Sơn, thời gian học trực tuyến ở nhà trong dịch bệnh, nhiều câu chuyện chia sẻ về lo âu, mâu thuẫn trong gia đình, vấn đề học tập, lý tưởng đã được học sinh gửi đến “hòm thư tư vấn tâm lý học đường” của trường. Bằng cách thức gửi mail, học sinh không nhất thiết phải nêu danh tính nên các em rất mạnh dạn đưa ra các vấn đề gặp phải. Học trực tuyến và dịch bệnh bí bách, tù túng, các em rất cần được lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm. Chỉ sau vài buổi nói chuyện, hầu hết tâm trạng các em đều tốt hơn.

Đại dịch COVID-19 khiến học sinh không đến trường thời gian dài, bị hạn chế vận động thể chất, thiếu kết nối xã hội với bạn cùng lứa, cảm xúc tiêu cực từ cha mẹ… ít nhiều đã làm cho trẻ cảm thấy khó khăn khi quay trở lại trường học. Trước khi trở lại trường, cha mẹ nên chuẩn bị cho con một thời gian thích ứng với hoạt động mới ở trường, thiết lập lại lịch ăn, ngủ phù hợp. Đồng thời, cập nhật các thông tin liên quan đến việc trở lại trường để trẻ sẵn sàng tâm lý chuyển từ trạng thái học trực tuyến sang học trực tiếp.

Từ thực tế ở Trường THPT Cao Thắng, Hiệu trưởng nhà trường, thầy Ngô Đắc Dũng chia sẻ, ngay đầu năm học, trước những khó khăn của học sinh, phụ huynh khi học trực tuyến, phòng tư vấn tâm lý nhà trường đã xây dựng chiến lược hoạt động, xuyên suốt qua hình thức trực tuyến thông qua trang fanpage. Nhà trường đã kịp thời gỡ khó cho học sinh các vấn đề liên quan khi học trực tuyến. Trước khi học sinh trở lại trường, bộ phận tâm lý học đường thực hiện khảo sát thực trạng sức khỏe, tâm thần; qua đó, xây dựng các chương trình kỹ năng cho học sinh, hỗ trợ các em bắt nhịp với thực tế. “Lắng nghe - Tôn trọng - Bảo mật” là phương châm hoạt động của phòng tư vấn tâm lý.

Khi học sinh trở lại trường, nội dung tư vấn tâm lý được nhà trường tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa qua đa dạng các hoạt động, vừa tạo sân chơi, vừa giúp học sinh bước qua những khó khăn sau thời gian dài học trực tuyến và tác động của dịch bệnh”, đại diện nhà trường cho hay. Song song hỗ trợ tâm lý từ đội ngũ tư vấn tâm lý, trường học còn xây dựng các tổ học sinh tự quản khi học sinh trở lại trường. Các tổ này có nhiệm vụ hỗ trợ nhau cùng học tập, nhắc nhở nhau ý thức phòng dịch và kịp thời tương trợ nhau khi gặp vấn đề về tâm lý”, thầy Ngô Đắc Dũng cho biết.

Bài, ảnh: An Nhiên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top