Ban giám đốc BV ban hành chỉ thị, Phòng Bảo vệ và lực lượng phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) lập phương án, huấn luyện, tập luyện, kiểm tra, tham mưu công tác PC&CC . Đội PC&CC gồm 70 người, trong đó, lực lượng của phòng bảo vệ là nòng cốt. Nếu có cháy xảy ra, Đội PC&CC thực hiện “bốn tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Ngoài việc được trang cấp các phương tiện PC&CC đầy đủ, hàng năm lực lượng này được đào tạo nghiệp vụ chữa cháy. Thành viên của đội có nhiệm vụ trực tiếp chữa cháy; cứu người bị nạn và đưa người ra khỏi đám cháy; bảo vệ tài sản và vận chuyển tài sản ra khỏi đám cháy.
Bệnh viện Trung ương Huế tập huấn PCCC
“Khó khăn nhất trong công tác phòng chống cháy, nổ (PCCN) là tuyên truyền người nhà bệnh nhân. Vì hôm nay vừa tuyên truyền xong, vài ngày sau họ ra viện, người khác vào. Chúng tôi phải thực hiện tuyên truyền theo phương pháp “cuốn chiếu” mới hiệu quả” - anh Nguyễn Hải Bình, Phó Phòng Bảo vệ BV nói. Chúng tôi đi qua phòng bệnh nhân khoa Ngoại Thần kinh, thấy người nhà bệnh nhân đang sạc điện thoại, anh Bình nhắc nhở: “Chú cẩn thận, đừng để chập dây điện, gây cháy nổ nguy hiểm”, rồi nói với tôi: “Lực lượng bảo vệ phân công nhau trực 24/24 giờ phải thực hiện từ những điều đơn giản như sạc điện thoại, nấu ăn tại phòng bệnh”. Đội còn có nhiệm vụ tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên và người nhà bệnh nhân ý thức chấp hành Luật PC&CC; cách phát hiện đám cháy; cấp cứu sơ tán người ra khỏi nơi xảy ra cháy...
Để PCCN, BV quy định người nhà bệnh nhân không được đun nấu trong khu vực phòng bệnh và khu vực BV. Nếu thấy nguy cơ cháy, nổ, mọi người phải phát hiện, báo cho đội PC&CC theo đường dây nóng. Đồng thời, đội xây dựng phương án cụ thể, chi tiết để xử lý những tình huống có thể xảy ra. Đội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, thường xuyên quan tâm đến công tác PCCN dù là nhỏ nhất, từ các biển báo tiêu lệnh chữa cháy, đến các thiết bị, công cụ hỗ trợ cho việc chữa cháy để đảm bảo khi cần là sẽ đáp ứng được ngay. Đối với các cơ sở chứa trang thiết bị y tế, chỉ cần một mẩu tàn thuốc lá, hoặc bất cẩn bị chập điện, cả bệnh viện sẽ gặp nguy hiểm. Anh Bình cho biết, BV đã chuẩn bị mọi phương án PC&CC và ưu tiên cho những khu vực này. Các cơ sở đều được trang bị hệ thống PC& CC, hệ thống báo cháy tự động, máy bơm nước chữa cháy và đường ống dẫn nước chữa cháy…
Để thực hiện công tác PC&CC tốt, tháng sáu vừa qua, Bệnh viện TW Huế và Sở Cảnh sát PC&CC tổ chức ký kết quy chế phối hợp PC&CC, cứu nạn, cứu hộ. Dự thảo quy chế phối hợp quy định; công tác bảo đảm an toàn PC&CC tại BV là trách nhiệm chính của Bệnh viện TW Huế, lực lượng cảnh sát PC&CC tỉnh là đơn vị phối hợp trong công tác phòng ngừa, trực tiếp xử lý khi có tình huống cháy nổ và sự cố tai nạn phức tạp cần cứu nạn cứu hộ. Quy chế phân công cụ thể trách nhiệm của các bên trong công tác phối hợp. Hai bên phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PC&CC tại các trung tâm, khoa phòng thuộc bệnh viện, trao đổi thông tin, tài liệu; kiểm tra bảo đảm an toàn PC&CC; đào tạo, huấn luyện nhân lực, tổ chức thực tập, diễn tập phương án PC&CC và cứu nạn, cứu hộ; phối hợp xử lý, giải quyết các tình huống, vụ việc cháy, nổ và sự cố, tai nạn xảy ra.
Với diện tích trên 10 ha, trên 60 khoa, phòng và hàng nghìn cán bộ công chức, bệnh nhân, người nhà, PC&CC ở BV không hề đơn giản. Nhưng, chỉ cần mỗi người đều nâng cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác với “giặc hỏa” thì sẽ không xảy ra điều đáng tiếc.
Đinh Hoàng Xuân Hồng