Chủ trương nhất quán của Chính phủ là cần phải khẩn trương, thực hiện các giải pháp phù hợp để có đủ vaccine sớm nhất có thể để tiêm phòng cho nhân dân trên diện rộng. Từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu đều phải triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, thần tốc hơn nữa, hiệu quả hơn nữa chiến lược vaccine phòng dịch COVID-19.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 121/TB-VPCP ngày 25/5/2021 Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.
Toàn văn Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ như sau:
Chiều ngày 24/5/2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản; đại diện lãnh đạo các bộ: Y tế, Công an, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Công thương, Tài chính.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế về tình hình phòng, chống dịch COVID-19, ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo:
1. Trong tuần qua, biến chủng mới của vi-rút SARS-CoV2 làm dịch bệnh bùng phát mạnh, nhanh trên diện rộng, khó kiểm soát hơn, nhất là đã xâm nhập sâu vào một số khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia và của Bộ Y tế, các cấp, các ngành với quyết tâm cao nhằm đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời phải phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và an sinh xã hội. Đến nay, cả nước vẫn cơ bản kiểm soát được dịch bệnh; nhưng dự báo nguy cơ bùng phát dịch trên phạm vi cả nước là rất cao; vì vậy chúng ta không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; đồng thời phải quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, hành động phải quyết liệt, khẩn trương, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, trong tình hình mới phải thần tốc và hiệu quả hơn; ngược lại cũng không quá hốt hoảng, hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì, thiếu bản lĩnh dẫn đến những quyết định không chính xác, không phù hợp với diễn biến tình hình thực tế dễ gây hậu quả; đặt mục tiêu chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân lên trên hết để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện mục tiêu kép.
Việc phòng, chống dịch có kết quả đã góp phần tổ chức thành công, an toàn cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, ngay cả ở các địa phương đang có dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương Ban chỉ đạo quốc gia, các bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Tài chính, nhất là các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an đã nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch, góp phần cho thành công của cuộc bầu cử; đặc biệt là biểu dương lãnh đạo các tỉnh, địa phương đang có dịch đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao, thực hiện phân cấp có hiệu quả, đúng hướng, áp dụng các biện pháp cơ bản phù hợp đểphòng, chống dịch bệnh. Đến nay đã có 6 tỉnh trong số 30 tỉnh có dịch sau 14 ngày không ghi nhận thêm các ca mắc mới trong cộng đồng.
2. Tuy nhiên, thực tiễn phòng, chống dịch vừa qua cho thấy vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, bất cập cần được khắc phục ngay:
a) Có biểu hiện lúng túng, bị động trong phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp.
b) Việc quán triệt và chuẩn bị năng lực phòng chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ tại một số địa phương còn bất cập; còn để xảy ra thiếu thốn một số loại trang thiết bị cần thiết trong một số tình huống cụ thể.
c) Công tác quản lý cách ly, theo dõi sức khỏe sau cách ly vẫn còn sơ hở, thiếu chặt chẽ.
d) Một số văn bản quy định, hướng dẫn còn bất cập, chưa theo kịp và chưa phù hợp thực tiễn phòng, chống dịch, nhất là chưa có các giải pháp đặc thù phù hợp với yêu cầu “chống dịch như chống giặc”.
đ) Một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn có biểu biện chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng, bị động, chưa tích cực, thiếu chủ động, chưa phát huy tinh thần linh hoạt, sáng tạo, tỉnh táo trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả.
3. Dự báo trong các ngày tới, dịch bệnh vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường, khó kiểm soát, nhất là tại các khu công nghiệp, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là tại trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Tình hình này đòi hỏi các cấp, các ngành cần tiếp tục tập trung phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả hơn nữa; cần phát huy tốt các thành quả đã đạt được, đúc rút kinh nghiệm, điều chỉnh để nhanh chóng thích ứng với diễn biến mới của dịch bệnh bằng các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả; phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, bản lĩnh, linh hoạt, sáng tạo để xử lý và xem khó khăn, thách thức là động lực để vươn lên, để vượt qua và để trưởng thành; trong đó tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
a) Các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương khẩn trương rà soát, sơ kết công tác phòng, chống dịch thời gian qua, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn, kịp thời hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, hướng dẫn cần thiết nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch, bảo vệ tốt nhất sức khỏe nhân dân và cộng đồng, quyết tâm vừa chống dịch thành công vừa phát triển kinh tế - xã hội toàn diện; trong đó chú ý thực hiện việc phân cấp, cụ thể hóa, cá thể hóa trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hiệu quả hơn nữa và tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội trong phạm vi quản lý.
b) Chủ trương nhất quán của Chính phủ là cần phải khẩn trương, thực hiện các giải pháp phù hợp để có đủ vaccine sớm nhất có thể để tiêm phòng cho nhân dân trên diện rộng. Từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu đều phải triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, thần tốc hơn nữa, hiệu quả hơn nữa chiến lược vaccine phòng dịch COVID-19, trong đó:
- Bộ Y tế chủ trì, chịu trách nhiệm toàn diện về việc mua vaccine phòng dịch. Bộ cần đẩy nhanh hơn nữa việc tiếp cận, đàm phán nhanh chóng mua các loại vaccine từ nhiều nguồn khác nhau, bảo đảm có vaccine sớm nhất, nhiều nhất có thể; có lộ trình, kế hoạch cho từng tháng, quý còn lại của năm 2021 và thời gian tiếp theo thật cụ thể, chi tiết trong từng khâu, từng công đoạn (giao nhận, vận chuyển, bảo quản... kể cả về các yếu tố tài chính, kinh phí cho cả quy trình), theo tinh thần thần tốc hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn nữa.
- Có chính sách, cơ chế khuyến khích, ưu đãi để huy động lực lượng khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước; chủ động, tích cực tìm kiếm, nhận chuyển giao công nghệ để sản xuất vaccine trong nước.
- Có kế hoạch, lộ trình tiêm vaccine bài bản, khoa học, hiệu quả, trong đó ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp; tuyệt đối không để lãng phí nguồn vaccine có được. Rà soát để điều chỉnh, bổ sung danh mục đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine cho phù hợp với yêu cầu thực tế, chú ý cơ sở sản xuất lớn, khu dịch vụ có đông công nhân, người lao động.
- Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính để nhanh chóng thành lập Quỹ vaccine phòng dịch COVID-19 nhằm kêu gọi các nguồn đóng góp của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nhân dân theo tinh thần huy động sức mạnh toàn dân và công khai, minh bạch, khách quan trong quản lý, sử dụng Quỹ.
c) Tình hình mới, điều kiện mới, yêu cầu mới về phòng, chống dịch đặt ra yêu cầu phải tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy trình, thủ tục, hướng dẫn về phòng, chống dịch, nhất là các quy định để tăng cường quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động nhập cảnh, cách ly, khai báo y tế, an toàn phòng chống dịch trong các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất có đông công nhân... Trường hợp cần thiết có thể thực hiện thí điểm một số mô hình phù hợp, hiệu quả để nhân rộng khi đủ điều kiện.
d) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Y tế, các bộ và các địa phương có liên quan để khẩn trương hoàn thiện quy trình vận chuyển, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, nông sản giữa các vùng có dịch và các địa phương khác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và không làm đình trệ, ách tắc hoạt động sản xuất kinh doanh.
đ) Các Bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao chính quyền các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, cư trú bất hợp pháp.
Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia đã có nhiều chỉ đạo về việc quản lý, tổ chức cho người Việt Nam ở nước ngoài về nước, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài nhập cảnh. Giao Ban chỉ đạo quốc gia chủ trì cùng các cơ quan liên quan thực hiện đúng thẩm quyền, an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và nhu cầu nguyện vọng thực tế chính đáng của nhân dân, doanh nghiệp. Giao Bộ Ngoại giao khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phân cấp quyết định và giám sát, kiểm tra chặt chẽ, đúng luật pháp việc cho chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao và thân nhân nhập cảnh làm việc tại Việt Nam.
e) Giao Bộ Tài chính hướng dẫn ngay việc tiết kiệm chi thường xuyên, trước mắt trong năm tài chính 2021-2022 để có nguồn bổ sung cho hoạt động phòng, chống dịch, mua vaccine và các yêu cầu khẩn cấp khác
g) Giao Bộ Nội vụ chủ trì, khẩn trương có hướng dẫn việc rút gọn quy trình, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ khen thưởng, kỷ luật trong bối cảnh phòng, chống dịch bảo đảm kịp thời, công khai, đúng người, đúng việc.
Trước mắt, giao Ban chỉ đạo quốc gia xem xét, đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống dịch.
h) Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tiếp tục thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác, hiệu quả về công tác phòng, chống dịch bệnh, lưu ý tránh đưa tin thụ động, một chiều, phải có phân tích, so sánh, đánh giá khách quan, trung thực, để nhân dân hiểu được, biết được về tình hình dịch bệnh, các biện pháp, trách nhiệm phòng, chống dịch; truyền cảm hứng để nhân dân thêm tin tưởng, ủng hộ và tích cực hợp tác, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tinh thần chung truyền thông là để “dân hiểu, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng thành quả”.
4. Giao Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tập trung chỉ đạo, quyết liệt, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các bộ, ngành, địa phương; kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích; nhắc nhở, phê bình, đề xuất xử lý kỷ luật đối với tổ chức, cá nhân lơ là, thực hiện chưa tốt, vi phạm quy định phòng, chống dịch.
Ban chỉ đạo quốc gia tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả về phòng, chống dịch và bảo đảm sản xuất,kinh doanh, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
5. Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, căn cứ tình hình, diễn biến dịch bệnh, phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, quyết liệt, quyết đoán để quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả với tinh thần “chống dịch như chống giặc” với quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; khi thấy cần thiết thì nhanh chóng thực hiện các biện pháp cách ly, phong tỏa, dập dịch theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo VPCP