ClockThứ Hai, 09/03/2020 21:09

Sinh viên cần ý thức, chủ động phòng dịch

TTH.VN - Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc các trường cho sinh viên nghỉ học tập trung là một trong những giải pháp để phòng dịch. Dù triển khai nhiều biện pháp quản lý sinh viên giai đoạn không đến trường, song vẫn còn nhiều nỗi lo nếu sinh viên còn hạn chế trong ý thức phòng dịch.

Sinh viên được nghỉ học tập trung đến ngày 15/3Chưa phát hiện trường hợp sinh viên nghi ngờ nhiễm COVID-19Miễn giảm tiền trọ, hỗ trợ sinh viên trong mùa dịch COVID-19

Vẫn còn nỗi lo

Đến ký túc xá Trường Bia trong sáng 9/3, chúng tôi bắt gặp nhiều sinh viên đăng ký thông tin để trở về quê. Trao đổi với nhiều sinh viên, không ít ý kiến cho biết, do thời gian nghỉ rảnh nên muốn về quê. 

Trong khi đó,  PGS.TS. Trần Xuân Chương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam; Trưởng Bộ môn Truyền nhiễm – Trường ĐH Y dược, ĐH Huế cho rằng, mong muốn về nhà của sinh viên là chính đáng, tuy nhiên trên phương diện dịch tễ truyền nhiễm, việc di chuyển nhiều nơi trong giai đoạn có dịch là không nên. Trong trường hợp mang phải mầm bệnh nhưng không biết, việc di chuyển có thể làm phát tán bệnh và đó là một nỗi lo không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn cả cộng đồng.

Sinh viên đăng ký thông tin để về quê sau khi trường thông báo nghỉ học tập trung

Trên thực tế, vẫn còn không ít nỗi lo. Qua quan sát, tại các quán cà phê, quán nhậu, những địa điểm vui chơi đông người, không khó để bắt gặp hình ảnh một số sinh viên. V.H, sinh viên một trường thuộc ĐH Huế thừa nhận: “Do bạn bè cùng được nghỉ nên tổ chức gặp mặt, bạn bè cũng không ai đau ốm nên không thấy lo”.

Hiện, một bộ phận sinh viên vẫn đang làm thêm tại nhiều điểm đông người như các quán cà phê, nhà hàng… Theo các chuyên gia, dù nhu cầu việc làm để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống là chính đáng nhưng nếu sinh viên không chủ động phòng dịch, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề đáng lo.

Tăng giải pháp quản lý 

Theo đại diện lãnh đạo ĐH Huế và các trường, ngay sau khi có công văn thông báo cho sinh viên nghỉ học tập trung, thông qua các kênh kết nối với sinh viên cũng đã tuyên truyền, nhắc nhở sinh viên các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhất là hạn chế tập trung nơi đông người, di chuyển các nơi trong trường hợp không cần thiết.

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng Ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế chia sẻ, ĐH Huế và Công an TP. Huế đã có quy chế phối hợp giữa hai đơn vị về quản lý an ninh, trật tự đối với học sinh sinh viên cư trú. Trong ngày 9/3, ĐH Huế cũng sẽ có văn bản gửi công an TP. Huế để tăng cường phối hợp, quản lý và nắm bắt tình hình sinh viên ở ngoại trú tại các địa phương.

ĐH Huế cũng đã chỉ đạo các trường, nhất là phòng công tác sinh viên, Đoàn Thanh niên – Hội sinh viên cùng các đơn vị chuyên môn tăng cường kết nối, nắm tình hình và nhắc nhở sinh viên chủ động phòng dịch.

Các trường, ký túc xá đều trang bị dung dịch sát khuẩn, quan trọng là sinh viên ý thức trong việc sử dụng để phòng dịch

Theo PGS.TS. Trần Hữu Tuấn, Khoa trưởng Khoa Du lịch, ĐH Huế hiện nay khoa cũng đang kết nối các sinh viên làm thêm hay thực tập nghề nghiệp liên quan đến du lịch để nắm tình hình, đồng thời nhắc nhở sinh viên chú ý đến việc phòng dịch.

Hiện, các đơn vị tiếp tục triển khai dạy trực tuyến để vừa đảm bảo kế hoạch đào tạo, vừa hạn chế thời gian sinh viên nghỉ học dài ngày, tham gia các hoạt động không cần thiết. PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế chia sẻ, nhà trường đã lên phương án tập huấn cho cán bộ và sẽ triển khai ngay trong tuần để thời gian nghỉ học tập trung, sinh viên vẫn có thể học online.

Theo đại diện Trung tâm Phục vụ Sinh viên ĐH Huế, hiện thông tin sinh viên ra vào, lịch sử di chuyển của sinh viên được kiểm soát kỹ. Ngay tại ký túc xá cũng thường xuyên kiểm tra, đo thân nhiệt cho sinh viên và có các giải pháp hướng dẫn sinh viên phòng dịch.

Ý thức quan trọng nhất

Tại Huế hiện có hơn 40.000 sinh viên đang học tập tại các cơ sở giáo dục ĐH. Theo các chuyên gia, với số lượng lớn, việc quản lý sinh viên là không dễ dàng và dù đã triển khai các biện pháp tuyên truyền, phòng dịch nhưng để tạo ra hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19, quan trọng nhất là ý thức sinh viên.

PGS.TS. Trần Xuân Chương khuyến cáo, trước tình hình dịch, không nên hoang mang nhưng cũng không được chủ quan. Đối với sinh viên, trước tiên cần biết cách thu thập, tiếp nhận và xử lý thông tin đúng, để từ đó có thể lan truyền thông tin hiệu quả cho gia đình và những người xung quanh. Trong đó, cần tiếp nhận các nguồn tin chính thống, nhất là thông tin từ Bộ Y tế, các cơ quan chức năng, trường học, không chia sẻ những nguồn tin thiếu kiểm chứng.

Cán bộ ở ký túc xá Trường Bia đo thân nhiệt cho sinh viên

Trong bối cảnh hiện nay, việc cho sinh viên nghỉ học tập trung sẽ giảm bớt những nỗi lo, nhất là khi tại Huế đã ghi nhận có trường hợp dương tính với COVID-19,  song không phải vì nghỉ học tập trung mà sinh viên sử dụng thời gian đó để tập trung những nơi đông người. PGS.TS. Trần Xuân Chương khẳng định, việc hạn chế di chuyển các địa phương cũng là điều nên làm, song nếu cần phải về quê, bản thân phải thực sự hoàn toàn khỏe mạnh, trước đó không tiếp xúc với những người, khu vực có trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19.

Các chuyên gia cũng cho rằng, đối với các trường hợp làm thêm, nhất là trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, những địa điểm tập trung đông người, cần chủ động các biện pháp phòng dịch, cần thiết có thể đeo khẩu trang khi tiếp xúc để đảm bảo an toàn.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu
Return to top