ClockThứ Ba, 26/02/2019 06:45

Tận tâm, yêu nghề

TTH - Trong ngành y, nhắc đến lĩnh vực phẫu thuật tạo hình, mọi người đều nghĩ đến TS.BS. Lê Thừa Trung Hậu, hiện là Trưởng khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Quốc tế Trung ương Huế.

Phẫu thuật thành công ca gãy xương đùi cho cụ bà hơn 100 tuổi

TS.BS Lê Thừa Trung Hậu (trái) cùng giáo sư Alain Gary - Bobo thẩm định bệnh trước phẫu thuật

Ước mơ cứu người

Ước mơ từ thời niên thiếu của chàng trai quê làng Mỹ Xuyên (Phong Hòa, Phong Điền) Lê Thừa Trung Hậu trở thành hiện thực khi theo học ngành y.

Sau năm 1998, tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, anh tiếp tục học chuyên ngành ngoại xương khớp. Qua nhiều năm phấn đấu, anh "đứng chân" vào Khoa Ngoại-Xương khớp, BV Trung ương Huế. Quá trình công tác, anh không ngừng tìm tòi, nghiên cứu chuyên môn nên tay nghề, uy tín của bản thân ngày càng nâng lên. Nhiều chẩn đoán, phương pháp xử lý ca bệnh của anh được xác nhận, đánh giá cao. Từ đó, tên tuổi bác sĩ Lê Thừa Trung Hậu được nhiều người nhắc đến về phẫu thuật cơ xương khớp, phẫu thuật tạo hình dị tật, di chứng bẩm sinh... ở BV Trung ương Huế.

Năm 2011, anh tiếp tục bổ sung kiến thức chuyên ngành (fellowship) tại Hoa Kỳ, theo diện học bổng của Hội Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ (PTTH-TM) Hoa Kỳ. Sau đó, nắm bắt nhiều cơ hội tham gia các khóa đào tạo ngắn, dài hạn, bổ sung kiến thức chuyên ngành về lâm sàng, chẩn đoán, thủ thuật... tại Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông và tiếp tục làm nghiên cứu sinh, nhận bằng tiến sĩ tại Bỉ vào năm 2015.

Lĩnh hội, tiếp nhận tinh hoa trong nghề nghiệp ở đất nước có nền y học phát triển, anh luôn thầm nhủ "đi để về", để cống hiến tại quê nhà. Về nước, BS. Hậu có nhiều đóng góp cho ngành xương khớp ở Việt Nam; trở thành "cứu tinh" cho các bệnh hiếm (đột biến gen, dị tật tay, chân, hóc mắt xa...) mà muốn điều trị thành công phải trải qua những đợt phẫu thuật kéo dài.

 Mới đây, BS. Hậu phẫu thuật thành công cho cháu V. ở thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông bị chứng não dính hộp sọ. Đó là căn bệnh hiếm gặp mà gia đình em đã chạy chữa nhiều nơi nhưng họ đều "bó tay". Khi được bạn bè đồng nghiệp ở tỉnh Đắc Nông kết nối, cháu V. được BS. Hậu hội chẩn cùng các khoa liên quan để phẫu thuật mở rộng thể tích hộp sọ, giải phóng chèn ép não, sửa lại hình thái hộp sọ, vùng xương trán phía trước.... Ca mổ trải qua gần 8 giờ. Hai ngày sau đó, bệnh nhân V.  hồi phục tốt. "Nếu trường hợp của bé V. không phẫu thuật sớm, tuổi đời của cháu rất ngắn", BS. Hậu nói. 

Tạo thương hiệu 

Trò chuyện với các bác sĩ đầu ngành ở BV Trung ương Huế tôi biết thông tin BS. Hậu là "hàng hiếm" được các tỉnh, thành phía Nam mời về làm chuyên gia sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2015. Khi nhắc đến điều này, BS. Hậu thực tình, nhiều cơ sở, bệnh viện ở các tỉnh, thành phía nam chào mời nhưng anh từ chối bởi lý do, anh muốn được sống là chính mình và không so tính về mức thu nhập lương bổng. BV Trung ương Huế là nơi anh đã gắn bó, là môi trường nhân ái nên anh không muốn xa rời...

Sau năm 2015, BS. Hậu quan tâm nhiều hơn lĩnh vực PTTH-TM- một lĩnh vực mới, khó, có tính đặc thù, đòi hỏi chuyên môn cao để tạo thương hiệu mới cho BV Trung ương Huế. Khi anh đề xuất ý tưởng, lãnh đạo BV Trung ương Huế tạo điều kiện, mở khoa PTTH-TM, giao anh "cầm trịch" tại BV Quốc tế Trung ương Huế. Anh nói, một công việc không dễ, nhưng lãnh đạo tín nhiệm, anh phải dồn tâm, lực đưa lĩnh vực PTTH-TM ở Huế phát triển.

Đáng mừng là hiện nay, Khoa PTTH-TM trở thành địa chỉ trong việc giải phẫu tạo hình các trường hợp di tật, di chứng bẩm sinh và những người có nhu cầu làm đẹp ở khu vực miền Trung -Tây Nguyên...

Cùng với sự thành tâm của GS.Phạm Như Hiệp, Giám đốc BV Trung ương Huế, BS. Hậu còn kết nối với các đồng nghiệp, bạn bè quốc tế đến Huế cập nhật, trao đổi chuyên môn với y, bác sĩ ở Huế. Với uy tín của bản thân, từ năm 2015 đến nay, với vai trò "cầu nối" của anh, các chuyên gia ở Đại học Stanford (Hoa Kỳ); Đại học Montpelier, Cộng hoà Pháp lần lượt đến hỗ trợ, mở nhiều lớp đào tạo chuyển giao kỹ thuật về PTTH-TM, như tái tạo sau ung thư vú, kỹ thuật vi phẫu trong tạo hình vùng mặt, cơ hàm, xương khớp... cho hàng trăm bác sĩ trẻ ở Huế và nhiều tỉnh, thành trong nước. Ngoài công tác chuyển giao kỹ thuật, các chuyên gia này còn hỗ trợ trang thiết bị y tế tổ chức các đợt phẫu thuật miễn phí cho hàng trăm trường hợp dị tật bẩm sinh có hoàn cảnh nghèo trong khu vực tại BV Trung ương Huế.

Có dịp trò chuyện với giáo sư, bác sĩ Alain Gary-Bobo, đến từ Đại học Montpelier, Cộng hoà Pháp, người có nhiều đóng góp chuyên môn về lĩnh vực PTTH-TM tại BV Quốc tế Trung ương Huế, giáo sư này chia sẻ, ông đã đến nhiều nơi, gặp nhiều đồng nghiệp nhưng chưa thấy người nào nhiệt thành, tâm huyết, làm việc chuyên nghiệp như TS. BS. Lê Thừa Trung Hậu. Anh Hậu là một điển hình để các bác sĩ trẻ học tập.

Nhiều đồng nghiệp của anh ghi nhận, TS.BS. Lê Thừa Trung Hậu là người điển hình, góp phần tạo dựng nên một thương hiệu, hình ảnh đẹp trong lĩnh vực PTTH-TM ở BV Quốc tế Trung ương Huế.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thanh niên suy tim hồi sinh nhờ tạng hiến

Trái tim của một chàng trai 24 tuổi đã vượt chặng đường hơn 600km từ Hà Nội vào Huế, “thắp” lên sự sống cho một thanh niên đồng trang lứa suy tim nặng. Đây là ca ghép tim thứ 14 tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 13 của đơn vị.

Thanh niên suy tim hồi sinh nhờ tạng hiến
Y tế kỹ thuật cao: Tạo đà bứt phá, vươn tầm

Năm 2023, Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị tiêu biểu xuất sắc trong các đơn vị y tế của cả nước về phát triển các kỹ thuật cao: Ghép tạng, ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, lĩnh vực ung thư, đột quỵ, tim mạch...

Y tế kỹ thuật cao Tạo đà bứt phá, vươn tầm
Đào tạo hồi sức sơ sinh cho cán bộ y tế

Từ ngày 4 đến ngày 7/11, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp cùng Newborn Việt Nam, Hội đồng Hồi sức châu Âu tổ chức hai lớp đào tạo liên tục dành cho các bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng đến từ các đơn vị y tế trong, ngoài tỉnh.

Đào tạo hồi sức sơ sinh cho cán bộ y tế

TIN MỚI

Return to top