An toàn sau tiêm chủng cho trẻ là niềm hạnh phúc của cả cộng đồng
Kết quả kiểm tra của Sở Y tế tại Trung tâm VNVC Thừa Thiên Huế cho thấy, cả hai trường hợp trẻ đều được tiêm chủng đúng quy trình, kho quản lý vắc xin đạt tiêu chuẩn GSP, các nhân viên tham gia khám sàng lọc và tiêm chủng đều được tập huấn về an toàn tiêm chủng.
Trước đó, ngày 29/9/2020, bé trai B.L (3 tháng tuổi) được tiêm vắc xin phế cầu Synflrix (số lô: ASPNB 285AC, HSD: 30/9/2023). Sau khi tiêm, trẻ được theo dõi 30 phút, trẻ bình thường, không có dấu hiệu bất thường nên được cho về nhà tiếp tục theo dõi. Về nhà, trẻ bắt đầu sốt nhẹ, tăng dần, được người nhà lau người, làm mát liên tục nhưng đến chiều tối cùng ngày trẻ sốt 38.70C và được cho uống hạ sốt. Đến 01h00 ngày 30/9/2020, trẻ bắt đầu sốt cao 39,20C và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Trong ngày tiêm chủng, có 44 trẻ tiêm cùng loại vắc xin với trẻ có phản ứng nhưng không ghi nhận bất thường nào.
Trường hợp bé trai thứ hai là D.T, sinh năm 2019. Ngày 27/9/2020, trẻ được tiêm vắc xin Sởi (MVVAC, số lô: M-0220, HSD: 12/05/2022) và vắc xin viêm não Nhật Bản (Imojev, số lô: 08A1905GA, HSD: 25/03/2022). Sau tiêm chủng, trẻ được theo dõi 30 phút, không có dấu hiệu bất thường nên được cho về tiếp tục theo dõi tại nhà. Về nhà, trẻ bắt đầu sốt nhẹ, tăng dần. Ngày 28/9/2020 bắt đầu sốt cao liên tục. Đến rạng sáng trẻ bắt đầu co giật và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Trong ngày tiêm chủng, có 10 trẻ tiêm cùng loại vắc xin với D.T, với 11 mũi tiêm cùng 2 loại vắc xin trên nhưng không ghi nhận bất thường nào.
Sáng 2/10, B.L đã hết sốt, linh hoạt, bú tốt, da nổi phát ban, đi cầu phân lỏng và đang tiếp tục được theo dõi. Bé được chẩn đoán sốt sau tiêm chủng/sốt phát ban.
Sáng cùng ngày, bé D. T đã được cho ra viện sau khi ổn định sức khỏe, ăn bú tốt. Tại Bệnh viện Trung ương Huế, bé được chẩn đoán sốt sau tiêm chủng/ bệnh kèm sốt phát ban do virut.
Tin, ảnh: Đồng Văn