ClockThứ Tư, 27/09/2017 14:01

Trạm y tế “mòn mỏi’’ chờ bệnh nhân

TTH - Thiếu nhân lực, trang thiết bị cũ, danh mục thuốc ít… là những nguyên nhân khiến người bệnh “chê” khám, chữa bệnh tại các trạm y tế, gây áp lực cho các bệnh viện tuyến trên vốn đã quá tải.

Người dân chưa mặn mà khi khám chữa bệnh ở trạm y tế phường, xã

Cảm cúm kéo dài dai dẳng, đến các phòng khám đa khoa trong thành phố, người đông như nêm nên tôi quyết định về trạm y tế phường khám bệnh. Buổi sáng đi đến 3 trạm y tế trong thành phố, tôi thấy một điểm chung: Hầu như không một bóng bệnh nhân và cả 3 trạm đều vắng bác sĩ. Người đi họp, người nghỉ phép, người đi học.... Nhân viên các trạm y tế niềm nở hẹn tôi sáng mai đến lại nếu có nhu cầu. Không bỏ cuộc, 9h sáng, tôi đến trạm y tế P. (TP. Huế). Lác đác có một, hai người đến cắt chỉ vết mổ hoặc thực hiện các biện pháp tránh thai. Sau khi nghe tôi khai đau cổ, ho, bác sĩ kê toa thuốc: viêm họng. Tôi bày tỏ muốn được nội soi vì cứ rát họng kéo dài, bác sĩ trấn an, thời tiết thay đổi, viêm họng là chuyện bình thường, chứ ở trạm không có máy nội soi. Khám về mà tôi cứ lo lo khi nhìn đống thuốc ít ỏi mà theo người bán thuốc đầu ngõ nhận định, thuốc này có đau viêm họng uống cũng lâu lành lắm (?).

Lượng người đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế phường, xã rất lớn nhưng họ lại đổ dồn lên các bệnh viện tuyến trên để khám, chữa bệnh. Nhiều người lý giải, đăng ký ban đầu tại trạm y tế để khi đau nặng chuyển viện sẽ dễ dàng hơn. Bệnh nhân muốn chữa ở tuyến trên vì sự an tâm chứ không phải vì bệnh nặng. Nhiều người mới mắc các bệnh thông thường nhưng vẫn nằng nặc xin chuyển viện lên tuyến trên. Bà Lê Thị Phương, Phó trạm Y tế phường Vĩnh Ninh (TP. Huế) cho biết: "Toàn phường có đến 95% người dân có thẻ bảo hiểm y tế, tuy nhiên, có khoảng 20% người dân khám ở trạm y tế phường. Máy siêu âm, điện tim đều có nhưng một tháng khám chưa đến 100 bệnh, nghĩa là một ngày chỉ có từ 2 đến 3 người đến khám bệnh".

Không ít ý kiến cho rằng, “cực chẳng đã’’ mới khám bệnh ở các trạm y tế phường, xã vì người dân vẫn còn tâm lý e ngại năng lực, trình độ các bác sĩ tại đây; trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh thiếu đồng bộ, lạc hậu; một số nơi chưa thực hiện nghiêm chế độ trực khiến người dân mất lòng tin. Danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại các trạm còn hạn chế. Rất nhiều người điều trị bệnh mạn tính ở bệnh viện, sau đó chuyển về trạm y tế nhưng không có thuốc điều trị trong danh mục bảo hiểm nên họ buộc phải quay lại bệnh viện. Mặt khác, một số kết quả khám, chẩn đoán tại trạm không được bệnh viện tuyến trên chấp nhận nên bệnh nhân không khám ở trạm y tế vì cho rằng tốn thời gian. Bà Võ Hạnh Tú, một bệnh nhân ở phường Phước Vĩnh nói “Tôi bị tiểu đường và cao huyết áp, trước đây thường đến trạm điều trị. Nhờ thông tuyến, tôi chọn phòng khám đa khoa để khám. Chất lượng điều trị tốt hơn, chứ bác sĩ tại trạm y tế xã lúc có lúc không, thuốc và các điều kiện khác cũng không đa dạng”.

Ông Ngô Thành Vinh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP. Huế, cho biết: "Việc thông tuyến khám chữa bệnh BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đau đầu sổ mũi người ta vẫn lên tuyến tỉnh và tuyến trung ương để khám. Thế nên, ở các bệnh viện tuyến T.W, tuyến tỉnh quá tải, còn mạng lưới y tế cơ sở được đầu tư trang thiết bị khám bệnh lại không có bệnh nhân để chữa trị".

Trạm y tế xã có chức năng quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Tuy nhiên, tuyến đầu về y tế này vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả, vật chất, thiết bị y tế không được sử dụng dẫn đến hư hỏng, lạc hậu. Các trạm y tế xã đều được cấp máy siêu âm nhưng những chiếc máy này không hoạt động hoặc đang nằm “đắp chiếu” đợi chờ bệnh nhân. Dù vậy, các trạm y tế vẫn phải bố trí nhân lực để trực khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân. Điều này gây lãng phí, trong khi nhiều nhiệm vụ khác cần thiết ở xã, phường bị bỏ ngỏ, như: vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Nhiều ý kiến cho rằng, trạm y tế xã có thể đáp ứng được 70% nhu cầu khám, chữa bệnh thông thường của người dân, như viêm sốt, hô hấp, đau họng, tiêu chảy… Trước sức hút nhân lực từ các bệnh viện, phòng khám tư nhân trong thành phố nên có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ các bác sĩ về công tác tại trạm y tế xã. Các cơ sở y tế phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, triển khai kỹ thuật cao, thay đổi thái độ phục vụ, giảm phiền hà về thủ tục hành chính. Điều này tạo điều kiện tối đa cho người tham gia bảo hiểm y tế  được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị Da liễu Quốc tế:
Kinh nghiệm, công nghệ và xu thế​

Hội nghị Da liễu Quốc tế từ 21 đến 23/11 do Bệnh viện Da liễu Trung ương, Sở Y tế, Bệnh viện Da liễu tỉnh phối hợp tổ chức thu hút nhiều chuyên gia trong, ngoài nước. Hàng trăm bài báo cáo được chia sẻ mang đến cái nhìn về phương pháp, kinh nghiệm, công nghệ… trong điều trị các bệnh về da. ​

Kinh nghiệm, công nghệ và xu thế​
​Tầm soát miễn phí bệnh đái tháo đường cho người dân

Hưởng ứng ngày Đái tháo đường thế giới 14/11, Đoàn Thanh niên Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp cùng Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh tổ chức chương trình “Tầm soát miễn phí đái tháo đường cho người dân toàn tỉnh”.

​Tầm soát miễn phí bệnh đái tháo đường cho người dân

TIN MỚI

Return to top