Theo Thông tư 46/2018/TT-BYT quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, từ ngày 1/3/2019, các cơ sở y tế sẽ sử dụng bệnh án điện tử thay cho sổ khám bệnh như trước kia.
Ông Trần Văn Tuyên, chuyên viên của Cục Công nghệ thông tin- Bộ Y tế cho biết, trước tiên việc thay thế này được áp dụng ở các bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt.
Nhiều cơ sở y tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai bệnh án điện tử.
Đến thời điểm này, mới có 14 cơ sở y tế trên cả nước bắt đầu triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo Thông tư 46 của Bộ Y tế. Tuy nhiên, ông Tuyên cũng cho rằng, hiện nay việc triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn lúng túng.
Chi phí tốn kém
Hiện nay, chi phí cho phần mềm quản lý bệnh viện, phần cứng cơ sở hạ tầng của công nghệ thông tin khá tốn kém. Đồng thời, với việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, việc đầu tư chữ ký số của người bệnh và bác sĩ thay cho chữ ký tươi trước đây không hề dễ dàng, bởi giá của một chữ ký điện tử khá đắt. Trong khi đó, Bộ Y tế vẫn chưa đưa giá công nghệ thông tin vào giá dịch vụ y tế hiện tại, gây khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh.
“Với 1 dịch vụ y tế, có 7 kết cấu thành phần trong giá dịch vụ y tế, nhưng hiện nay công nghệ thông tin lại không thuộc 1 trong 7 kết cấu đó. Vì vậy, Bộ Y tế đang xây dựng chi phí dịch vụ công nghệ thông tin thành kết cấu thứ 8, nhằm tạo thuận lợi cho việc đầu tư công nghệ thông tin trong hồ sơ bệnh án điện tử”- ông Tuyên cho biết.
Ông Trần Văn Tuyên cũng cho biết, về phần mềm quản lý bệnh viện, hiện nay Bộ Y tế chưa có chuẩn thống nhất cho toàn ngành y tế. Hầu hết, các đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh đều phải tự xoay xở, đầu tư phần mềm quản lý bệnh viện.
“Trước đây, khi các đơn vị triển khai bệnh án điện tử, trong phần hướng dẫn có quy định, nếu các phần mềm chính phục vụ cho cơ sở khám chữa bệnh tại bệnh viện đều có những tiêu chuẩn cụ thể. Nhưng, khó khăn hiện nay là mỗi một kết nối, các cơ sở chưa có những quy chuẩn chung. Hiện, Cục Công nghệ thông tin đang đề xuất để xây dựng, triển khai thành một ID chung”- ông Tuyên cho biết.
Lưu ý bảo mật thông tin của người bệnh
Cũng theo Thông tư 46/2018/TT-BYT, hồ sơ bệnh án điện tử phải tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định tại Mục 2, Chương II Luật An toàn thông tin mạng. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép sử dụng, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử thay cho hồ sơ bệnh án giấy khi đáp ứng các quy định tại Thông tư này.
Việc đảm bảo bí mật thông tin của bệnh nhân khi thực hiện bệnh án điện tử là vô cùng quan trọng. Bởi hồ sơ bệnh án là 1 trong những tài liệu lưu trong Dữ liệu mật. Vì vậy, việc sử dụng, khai thác hồ sơ bệnh án điện tử phải được thực hiện theo quy định của Luật khám chữa bệnh.
Cần có quy định rõ là ai được mở và mở đến đâu, do đảm bảo bí mật cho người bệnh là một trong những lời thề của người thầy thuốc.
“Giám đốc bệnh viện phải ban hành quy chế khai thác hồ sơ bệnh án điện tử. Các đối tượng như sinh viên thực tập, nghiên cứu viên, người hành nghề trong các cơ sở khám chữa bệnh thì được xem hồ sơ bệnh án điện tử đến đâu và được sao chép đến đâu để phục vụ cho việc nghiên cứu, công tác chuyên môn kỹ thuật, không được mang ra khỏi phạm vi quản lý hồ sơ trong máy tính”- ông Tuyên nêu rõ.
Bộ Y tế cho biết, lộ trình thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2019 – 2023): Các cơ sở khám, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; các cơ sở khám, chữa bệnh khác căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị các điều kiện cần thiết và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử khi đáp ứng yêu cầu theo quy định.
Giai đoạn 2 (2024 – 2028): Tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh chưa triển khai được phải thực hiện báo cáo cho cơ quan quản lý trực thuộc; văn bản báo cáo phải nêu rõ lý do, lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nhưng phải hoàn thành trước ngày 31/12/2030.
Theo VOV