ClockThứ Sáu, 28/10/2022 13:30

Triển khai mô hình tự xét nghiệm HIV

TTH - Thừa Thiên Huế là một trong 22 địa phương trên cả nước được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam chọn triển khai mô hình tự xét nghiệm HIV bằng nước bọt thông qua hình thức cung cấp kit test trực tuyến. Từ tháng 8/2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã bắt đầu triển khai mô hình thông qua website tuxetnghiem.vn.

Đừng ngại xét nghiệm HIV tự nguyệnTư vấn, xét nghiệm HIV hơn 100 trường hợp nguy cơ cao

Loại kit test xét nghiệm HIV bằng nước bọt

Trang web tuxetnghiem.vn được thiết kế với mục đích tăng cường tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm HIV một cách đơn giản, bảo mật và miễn phí. Chỉ cần điện thoại thông minh hay chiếc máy tính bàn có kết nối mạng Internet là mọi người dân có thể tự tạo tài khoản, đánh giá nguy cơ nhiễm HIV và được nhận test tự xét nghiệm HIV miễn phí.

Khách hàng có nhu cầu xét nghiệm HIV đăng nhập vào trang thông tin điện tử http://tuxetnghiem.vn/ để đăng ký và nhận test tự xét nghiệm HIV bằng nước bọt. Test được cung cấp qua dịch vụ bưu điện, qua đồng đẳng viên hoặc khách hàng tự đến lấy tại Khoa Phòng, chống HIV/AIDS - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế (Số 21 Nguyễn Văn Linh, TP. Huế).

Với các thao tác đơn giản, có video clip minh họa và hướng dẫn kèm theo bộ kit test, khách hàng tự xét nghiệm, tự đọc và báo cáo kết quả. Nếu kết quả âm tính, khách hàng tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, như: điều trị trước phơi nhiễm PrEP, bao cao su, bơm kim tiêm. Nếu kết quả “có phản ứng”, khách hàng sẽ được làm xét nghiệm khẳng định tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và tiếp cận ngay với điều trị ARV. Mọi cá nhân có nhu cầu hoàn toàn có thể liên hệ với Khoa Phòng, chống HIV/AIDS - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để được hỗ trợ tư vấn miễn phí qua facebook, hotline hoặc tình nguyện viên.

Xét nghiệm HIV là cách duy nhất để biết một người có bị nhiễm HIV hay không, giúp người nhiễm sớm biết được tình trạng nhiễm HIV của bản thân. Từ đó, dự phòng lây nhiễm cho người thân, những người xung quanh, cho cộng đồng cũng như giúp người nhiễm điều trị sớm, duy trì sức khỏe. Bạn V.A.T, Thành viên nhóm tình nguyện viên (hỗ trợ cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới - MSM) cho biết: “Qua tìm hiểu, cộng đồng MSM rất quan tâm đến dịch vụ này vì nó khá thuận tiện, đơn giản, bảo mật và không đau. Xét nghiệm này chỉ cần lấy mẫu nước bọt, chứ không lấy máu như các xét nghiệm thông thường khác”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Vân, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam: Xét nghiệm dựa vào cộng đồng (tự xét nghiệm HIV) đã triển khai thí điểm từ năm 2016, mở rộng vào năm 2018 đã góp phần rất lớn trong việc tăng độ bao phủ xét nghiệm HIV và phát hiện người nhiễm HIV trong cộng đồng. Mô hình này đã tiếp cận quần thể đích (người có nguy cơ cao nhiễm HIV) mà chưa xét nghiệm HIV bao giờ.

Theo Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, các mục tiêu về xét nghiệm HIV được xác định cụ thể như sau: Tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 90% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030; tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV được xét nghiệm HIV hằng năm đạt 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

Theo đó, để đạt mục tiêu 95% người dân biết được tình trạng nhiễm HIV của mình vào năm 2030, các mô hình xét nghiệm HIV cần đa dạng hóa, linh hoạt và tạo điều kiện thuận lợi nhất để quần thể đích tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm. Với sự hỗ trợ của WHO, Thừa Thiên Huế sẽ triển khai mô hình xét nghiệm tại cộng đồng với các phương thức xét nghiệm ngày càng đơn giản hơn, đưa xét nghiệm HIV ngày càng đến gần với người dân hơn, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu mà Chính phủ đã đề ra.

BẢO CHÂU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Từ những mô hình hiệu quả

Với các mô hình “Con heo đất”, “Ngôi nhà xanh”, “Tiết kiệm tự nguyện”..., phong trào phụ nữ đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu ở TX. Hương Trà đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng động, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Từ những mô hình hiệu quả
Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”

Vốn là dân sư phạm nhưng vì đam mê hoa, chị Nguyễn Thị Thanh Lân (Phong Thu, Phong Điền) đã rẽ sang lĩnh vực kinh doanh hoa rồi khởi nghiệp với mô hình mang thương hiệu “Hoa tươi bất tử Cố đô” bước đầu thành công ở quê nhà. Với mô hình này, chị Lân đã tham gia Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Thừa Thiên Huế năm 2024 và được UBND tỉnh tặng bằng khen có sáng kiến ĐMST của thế hệ trẻ.

Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”

TIN MỚI

Return to top