Khi bệnh viện là “con nợ”
Ngành y tế TP.HCM vừa có chủ trương đến năm 2017, hầu hết các BV công sẽ tự chủ tài chính, BV sẽ hoạt động như doanh nghiệp. Trước đó, Bộ Y tế cũng đã chủ trương xây dựng mô hình tự chủ tài chính cho một số BV theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Y tế đang quản lý 42 BV, trong đó có 1 BV tự bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên và chi đầu tư (BV Đại học Y dược TP.HCM) và 13 BV tự bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên.
Người nhà bệnh nhân xếp hàng ở cửa thu tiền của BV Việt Đức. Ảnh: Hải Nguyễn
Với cơ chế tự chủ, nhiều BV không trông chờ vào nguồn vốn nhà nước mà tự vay vốn ngân hàng để xây dựng cơ sở vật chất. Hiện cả nước đã có khoảng 10 BV công lập tuyến cuối như: Việt Đức, Phụ sản T.Ư, Nội tiết T.Ư, Chợ Rẫy... đã vay vốn của ngân hàng với số tiền khoảng 1.500 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị. Cụ thể như BV Nội tiết T.Ư đã vay vốn ngân hàng tới 65% để xây thêm 1 toà nhà điều trị nội trú 9 tầng tại cơ sở 2 (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội). BV Việt Đức cũng vay gần 300 tỷ đồng trong số 400 tỷ đồng đầu tư vào toà nhà kỹ thuật cao 11 tầng. Toà nhà được đầu tư tới 22 phòng mổ hiện đại, trong đó có phòng mổ nội soi hiện đại nhất Việt Nam.
Cơ sở vật chất khang trang nhưng bà Nguyễn Thị Bích Hường - Phó Giám đốc BV Việt Đức cũng trăn trở về việc phải cân đo các khoản thu - chi. Theo bà Hường, tay nghề của bác sĩ, phòng mổ có tầm cỡ quốc tế, các chi phí vật tư, thuốc men giá “nhập khẩu” nhưng một ca ghép tạng nói riêng và phẫu thuật nói chung ở Việt Nam chỉ bằng 1/5, thậm chí thấp hơn vài chục lần so với thế giới. Bà Hường cho biết, việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị là để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Chỉ có tự chủ nguồn lực, tự đầu tư theo nhu cầu mới có điều kiện để phát triển các kỹ thuật y học hiện đại. Nếu chờ đợi ngân sách thì 5-7 năm, thậm chí cả chục năm nữa cũng khó “mơ”. Bà Hường cũng nhận định, năm 2015, chi phí vận hành BV là hơn 1.500 tỷ đồng trong khi ngân sách chỉ cấp 1% số tiền đó vào việc hỗ trợ trang thiết bị và đào tạo. “Thu cao thì bệnh nhân sợ chạy mất mà thu thấp thì không đủ bù chi, trả lương, trả nợ. Chúng tôi luôn phải cân nhắc để đảm bảo bệnh nhân được hưởng các dịch vụ điều trị tốt nhất với giá thành “Việt Nam” mà lại đủ chi để duy trì BV” – bà Hường cho biết.
PGS Trần Ngọc Lương – Giám đốc BV Nội tiết T.Ư cũng “đau đầu” vì mỗi tháng BV đang phải trả ngân hàng cả lãi lẫn gốc là 40 tỷ đồng, trong khi viện phí cũng mới chỉ tính được 4/7 yếu tố, chưa ngang giá thị trường.
Viện phí đã được điều chỉnh tăng 30% từ tháng 3.2016 (đưa thêm phụ cấp vào viện phí), đến cuối tháng 8.2016 mới dự tính đưa thêm lương vào viện phí. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các BV tự chủ, Bộ Y tế đã cho phép 9 BV tự chủ tài chính, trong đó có BV Nội tiết T.Ư và BV Việt Đức được tăng 50% (đưa cả phụ cấp và lương vào viện phí) ngay từ tháng 3.2016. Tuy nhiên, giá này vẫn chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành viện phí. Còn theo lộ trình tăng viện phí, đến năm 2020, viện phí sẽ tính đủ cả 7 yếu tố, tiến tới ngang giá thị trường. Theo một số lãnh đạo BV đã sớm tự chủ tài chính, khoảng thời gian chờ đợi này, BV sẽ phải gánh gồng, cân đong đo đếm các khoản thu chi với nỗi lo vỡ nợ, đóng cửa BV.
Người bệnh sợ bị “tận thu”
Theo ông Phạm Lương Sơn- Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tự chủ tài chính tiến tới cạnh tranh lành mạnh là xu hướng tất yếu. Ông Sơn cho biết, thời gian qua có sự gia tăng đột biến tỷ lệ khám bệnh ở các phòng khám, BV tư nhân, có nơi tăng tới 200-300% so với thời gian trước đây. Điều này cho thấy tính cạnh tranh khốc liệt và việc phải “lời ăn lỗ chịu” khiến các BV tư có nhiều cách thức để thu hút bệnh nhân. Nếu các BV công không thay đổi tư duy, không có cơ chế tài chính để tự chủ hành động thì rất dễ tụt hậu, dễ mất bệnh nhân, dễ “chết đói”. “Đơn giản vào BV tư người bệnh được đón tiếp niềm nở, được mời uống nước, được hướng dẫn chu đáo, được nhân viên đưa đến tận các phòng bệnh, tư vấn cặn kẽ, nhiệt tình, khi đi về thậm chí còn được tặng quà. Đương nhiên, bệnh nhân sẽ lựa chọn nơi dễ chịu, thoải mái hơn. Điều này các BV công cần học hỏi. Mấu chốt chính là thay đổi tư duy quản lý BV chứ không chỉ hô hào ký cam kết thay đổi thái độ. Nếu tư duy quản lý vẫn là của 1 ông giám đốc, là giáo sư, bác sĩ thì không thể quản trị BV như một doanh nghiệp, có sức cạnh tranh với thị trường” – ông Sơn phân tích.
GS Trần Bình Giang (BV Việt Đức) phẫu thuật nội soi một ca ung thư dạ dày tại phòng mổ
hiện đại nhất Việt Nam. Ảnh: Diệu Linh
Theo các chuyên gia y tế và lãnh đạo nhiều BV, tự chủ tài chính sẽ khiến các BV phải coi bệnh nhân là “nguồn sống” do đó sẽ phải thay đổi hẳn phong cách phục vụ, tự khắc coi khách hàng là thượng đế, làm “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”. Tuy nhiên, mặt khác, không ít người lo lắng, BV sẽ tìm mọi cách để “tận thu” trên người bệnh. Theo BHXH Việt Nam, năm 2015, ngành BHXH đã thu hồi hàng nghìn tỷ đồng từ các cơ sở y tế do chi sai, chi vô lý, chi vô tội vạ do lạm dụng các kỹ thuật, dịch vụ. 6 tháng đầu năm 2016, qua kiểm tra một số tỉnh, BHXH cũng phát hiện và thu hồi hàng chục tỷ đồng từ việc lạm thu quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT).
Ông Sơn dẫn chứng, nhiều cơ sở y tế bệnh nhân cứ vào viện là “đè ra” xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X.quang. Thậm chí, có cơ sở y tế, chỉ định hàng nghìn siêu âm tim 4 màu dù bệnh nhân không có các dấu hiệu lâm sàng như tức ngực, khó thở. Kết quả, 80% không tìm ra bệnh tật gì ở tim. Giá thành siêu âm tim cũng không rẻ, từ 300.000-800.000 đồng/lượt. Tại một BV ở Phú Thọ, có nhiều bệnh nhân được chỉ định tới 10-12 xét nghiệm (khám toàn thân), dù nhập viện vì đau ốm 1-2 bộ phận. Có nơi bỏ máy chụp cắt lớp 32 dãy để đầu tư lên 64 dãy và chỉ định cho bệnh nhân sử dụng dịch vụ này với giá cao cho dù bệnh chưa đến mức phải dùng đến... “Lạm dụng BHYT không mới, nhưng ngày càng tinh vi khiến các cán bộ BHXH phải kiểm tra, đối chiếu, tranh luận rất nhiều mới có thể chỉ ra các sai phạm và thu hồi hoặc dừng thanh toán BHYT” – ông Sơn cho biết.
GS Phạm Mạnh Hùng – nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhận định, xu thế tăng đầu tư bằng vốn xã hội hoá, tiến tới tự chủ tài chính các BV công có nguy cơ dẫn đến việc các BV bị “tiền tệ hoá”. Cụ thể, các BV có thể vì lợi nhuận mà coi bệnh nhân là đối tượng để tăng thu, lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng kỹ thuật cao, đắt tiền, lạm dụng kê đơn nhiều thuốc và thuốc đắt… “Cho dù giao quyền tự chủ tài chính cho các BV nhưng Nhà nước vẫn phải có sự điều tiết, kiểm soát chặt chẽ để các BV không lạm quyền, bác sĩ chạy theo lợi ích. Nếu thế thì ai sẽ công tác ở vùng sâu vùng xa, người nghèo sẽ khám chữa bệnh như thế nào… “ – GS Hùng chất vấn.
TS Trần Tuấn – chuyên gia phản biện chính sách y tế: "Tư nhân hoá làm lạm dụng kỹ thuật cao"
Câu chuyện tự chủ tài chính không có gì mới. Vì từ lâu, ngành y tế đã có chủ trương cho các BV tự chủ một phần bằng cách mở các phòng khám dịch vụ theo yêu cầu, xã hội hoá máy móc… Điều này khiến cho BV nhiều khi lại lợi dụng công để thu lợi tư. Trong khi Nhà nước trả lương bác sĩ, đầu tư cơ sở vật chất, máy móc nhưng lại dùng để khám dịch vụ hoặc người bệnh bị ép dùng máy xã hội hoá để thu lợi cho BV.
Tuy nhiên, khi BV bị “thị trường hoá”, chăm sóc y tế cũng sẽ chạy theo lợi nhuận, đáp ứng nhu cầu “cảm tính” của người dân, coi người bệnh như “nguồn thu”. Với xu hướng tự chủ tài chính như hiện nay, tôi khẳng định có tình trạng lạm thu, lạm dụng xét nghiệm, kỹ thuật cao. Nhưng loại hình dịch vụ y tế không phải cứ dùng nhiều, dùng kỹ thuật cao là tốt mà phải đúng bệnh, đúng kỹ thuật. Do đó, muốn tránh tình trạng người bệnh bị tận thu khi các BV biến thành doanh nghiệp, cần có hành lang pháp lý để quy định chặt chẽ các điều kiện khám chữa bệnh, điều trị, bảo vệ người bệnh – người tiêu dùng.
|
Theo Dân Việt