ClockThứ Năm, 14/09/2023 06:59

Trao nụ cười, gieo hy vọng

TTH - Gần 70 y bác sĩ và tình nguyện viên của Chương trình phẫu thuật nụ cười cật lực làm việc từ sáng sớm đến tối tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt (RHM) Huế liên tục 5 ngày qua. Khoảng 100 bệnh nhân dị tật bẩm sinh khe hở môi, khe hở vòm, bẩm sinh vùng hàm mặt… được phẫu thuật thẩm mỹ, mang đến cho họ sự tự tin hòa nhập cộng đồng…

Chương trình phẫu thuật nụ cười trở lại Huế

Chuyên gia thực hiện một ca phẫu thuật khe hở môi cho trẻ 

Chữa lành những khiếm khuyết

Ngồi chờ con ngoài phòng mổ, ông Phan Triển, 50 tuổi, đến từ Quảng Trị vẫn thấp thỏm, phần lo cho con trai, phần hồi hộp chờ đến lượt mình. Con trai đầu của ông là Phan Th., 6 tuổi, bị khe hở môi như ông. Nghe tin Chương trình phẫu thuật nụ cười do Operation Smile Việt Nam cùng các bác sĩ trong ngoài nước mổ thẩm mỹ miễn phí, ông nghỉ phụ thợ nề lập tức đưa con vào Huế. Sau khi khám sàng lọc và duyệt hồ sơ mổ cho Th. xong, thương người cha già vất vả, các bác sĩ động viên ông tham gia phẫu thuật cùng con.

“Nhà nông, nghèo khó ít nghĩ tới chuyện điều trị nên tôi cứ sống vậy mấy chục năm qua. Nói không rõ, mặc cảm lắm, song tui nghĩ ưu tiên cho con phẫu thuật, đến trường học hành vui chơi thoải mái. Ai ngờ được mấy bác thương cho hai cha con mổ đợt này. Thật vui quá! Cả nhà tui sẽ bất ngờ khi đón hai cha con trở về”, ông nói.

Cùng tâm trạng hân hoan sau mổ, anh A Minh L. người dân tộc Giẻ - Triêng, Kon Tum đưa con trai là A Q., vào phẫu thuật dị tật trên mặt. Anh kể: “Nhà làm nương làm rẫy thôi, đâu có tiền mà đi mổ. Mỗi lần cháu ra ánh sáng và đám đông đều co mình lại. Vợ chồng mình thương con nhưng không biết phải làm sao. Nay cháu được mổ miễn phí. Rất cảm ơn chương trình tạo điều kiện cho cháu trở lại cuộc sống bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa”.

Chương trình phẫu thuật năm nay đã nâng số lượng ca mổ lên so với con số dự kiến 70-90 ca. Một số trường hợp đến khám muộn và cả người lớn cũng được tạo điều kiện được phẫu thuật. Ngoài hỗ trợ toàn bộ chi phí phục vụ khám, phẫu thuật, bệnh nhân còn được hỗ trợ chi phí ăn uống, hỗ trợ một phần chi phí đi lại…

Con số khám sàng lọc ban đầu ở mức 150 trường hợp, song thực tế lại vượt hơn dự kiến. Họ khăn gói đến từ nhiều nơi trong cả nước, mang theo hy vọng “chữa lành” cho con em mình. Tại phòng bệnh, cậu bé Nguyễn Q.P. 11 tháng tuổi sau mổ đã hồi phục sức khỏe chơi cùng mẹ. P. sinh non, vòm họng bị khiếm khuyết nên uống sữa rất khó khăn. Chuẩn bị bước vào năm học xong, nghe có chương trình phẫu thuật nhân đạo, chị N.T.T.S. mẹ bé P. tạm gác công việc ở trường đi cả chặng đường dài từ Cần Thơ ra Huế. “Em ở xa nên các bác ưu tiên mổ trước. Sức khỏe bé cũng mau hồi phục. Sau mổ hai hôm đã chơi và uống sữa được rồi. Bé sinh non nên mới bị vậy, em khổ tâm lắm. Nay thì gánh nặng đã được trút bỏ, em thật không biết nói gì hơn, chỉ biết tri ân các bác và chúc các bác sức khỏe để còn giúp nhiều trường hợp khác”, chị S. thổ lộ.

Chung sức thiện nguyện vì cộng đồng

Tổ chức Operation Smile Việt Nam đến và làm việc tại Bệnh viện RHM Huế từ năm 2007. Hàng trăm trẻ em trong, ngoài tỉnh được phẫu thuật miễn phí. Chương trình phẫu thuật nụ cười lần này còn nhận được sự hỗ trợ của Tập đoàn công nghệ CMC, các chuyên gia đến từ Bệnh viện EDA (Đài Loan); các bệnh viện đối tác tại 3 miền Bắc, Trung và Nam của Việt Nam. Theo BSCK II Lê Đức Thịnh, Giám đốc Bệnh viện RHM Huế, mỗi ca mổ có chi phí từ 4-8 triệu đồng. Tuy nhiên, có những thứ không quy đổi được thành tiền là tấm lòng, tâm huyết của những chuyên gia, bác sĩ, y tá tình nguyện trong và ngoài nước. Đợt phẫu thuật này cũng là cơ hội cho đội ngũ y tế, điều dưỡng học tập, nâng cao tay nghề.

BS. trẻ Nguyễn Trương Gia Bảo, Khoa Tạo hình thẩm mỹ Hàm mặt, Bệnh viện RHM Huế lần đầu tham gia hỗ trợ ê kíp phẫu thuật của chương trình rất hào hứng, dù phải dồn sức lực làm việc liên tục cùng các chuyên gia. Với vị bác sĩ vừa nhận công tác tại đơn vị, hoạt động này giúp anh học hỏi cách làm việc cùng tập thể, trao dồi chuyên môn từ những người thầy, người anh giàu kinh nghiệm; trao đổi văn hóa, rèn kỹ năng mềm; mở rộng quan hệ với các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực thẩm mỹ.

Bác sỹ Brian, Cheng-Loong Liang, Hiệu trưởng Trường Y khoa kiêm Trưởng ban chuyên trách Y tế quốc tế - tập đoàn EDA Đài Loan chia sẻ: “Chúng tôi đã có khoảng 20 năm hợp tác tham gia các hoạt động. Dù hôm nào cũng bận rộn luôn tay luôn chân, song mọi người làm việc hăng say, hợp tác ăn ý. Chúng tôi rất vui và sẵn sàng hợp tác với chương trình ý nghĩa như thế này trong tương lai”.

Để triển khai phẫu thuật cho bệnh nhân tại các địa phương, cần có sự đáp ứng đủ nhu cầu về trang thiết bị, cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, không phải nơi nào đoàn đến đều có đủ điều kiện. Với 30 ca mổ mỗi ngày, các bác sĩ phải mượn thêm dụng cụ gửi khẩn cấp từ Hà Nội qua đường hàng không. Có những thứ các thành viên phải xoay sở, xử lý linh hoạt và cùng nhau vượt khó trong điều kiện hiện tại. Cùng với đó là sự chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm, cho các bác sĩ địa phương qua các ca phẫu thuật khó. Không chỉ được nâng cao chuyên môn, điều ý nghĩa nhất đối với những người khoác áo blouse trắng chính là được chung sức cùng thực hiện hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng.

BS. Nguyễn Thanh Thái, Trưởng đoàn y tế của Operation Smile Việt Nam nói rằng: “Hơn 30 năm qua, chúng tôi đã đến nhiều nơi trên mọi miền tổ quốc, trong đó có cả Huế. Trẻ dị tật môi hở hàm ếch và các dị tật ở mặt sẽ bị mặc cảm, tâm lý gia đình và cộng đồng. Mang lại nụ cười cho các cháu là mang lại sự tự tin cho trẻ, mang lại niềm vui cho gia đình, mang lại niềm tin về tương lai cho các cháu để hòa nhập cộng đồng. Các cháu sẽ là nguồn lao động có ích cho xã hội, tương lai sau này”.

Bài, ảnh: TUỆ NINH
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top