Ngon mà rẻ, đó là câu mà các chị hay nói với nhau về cá nục. Nội cái tên không thôi cũng đủ gợi lên một dáng hình con cá thân tròn, mập mạp, đủ sức gọi mời các bà nội trợ. Có những loài cá mà người ta gọi “cá của nhà nghèo, cá của nhà giàu” tùy thuộc vào độ đắt tiền của con cá ấy. Duy con cá nục hình như là trung hòa giữa sự phân biệt ấy bởi độ rẻ và ngon nên nhà giàu cũng thèm và nhà nghèo cũng dễ dàng để mua.
Cá nục có thể chế biến rất nhiều món ngon: cá nục kho ớt xanh, kho khô, hấp cuốn bánh tráng, nấu canh thơm cà, chiên giòn... Dường như khi con người biết tạo nên những món ngon thì thiên nhiên cũng cho loài người những trái, lá, rau phù hợp để nấu, ăn kèm làm tăng thêm hương vị cho món ăn ấy. Cũng như thế, mùa cá nục cũng là mùa người dân ở những làng cát thu hoạch vô số những trái ớt xanh lúc lỉu. Những trái ớt thơm nồng, không quá cay ấy phù hợp để kho những nồi cá xâm xấp nước hoặc khô cong queo dậy mùi nức mũi.
Tôi vẫn thích những con nục nhỏ bằng ngón tay trỏ để kho khô. Đường, nước mắm, chút bột ngọt và bẻ vài trái ớt xanh vào, chịu khó ướp lâu một tí trước khi kho. Lửa liu riu, cá xếp đều trên cái trách nhỏ, món này bà ngoại tôi nấu thì tuyệt. Chao ơi, con cá khô cứng nhưng vẫn giữ vị ngọt tự nhiên của cá, độ ngọt, mặn vừa phải của gia vị đủ để nồi cơm mau chóng hết vèo. Nếu cá nục kho để ăn chung với cơm thì món cá nục hấp thường là món ăn chơi. Lựa những con cá to chừng hai ngón tay trở lên, ướp chút tiêu hành, xắt thêm vài lát ớt xanh đỏ, bỏ vào xửng hấp chừng 10 phút. Món này ăn kèm với bánh tráng nhúng nước hoặc bánh đa nem. Dĩa rau sống xanh rờn, vài lát chuối chát, khế, vả, dưa leo, gắp thêm miếng cá rồi cuộn lại, chấm vào chén nước mắm ớt, tỏi dậy thơm mùi chanh thanh tao. Chao ơi, cứ gọi là một bữa tiệc hiếm có cao lương mỹ vị nào bằng.
Mùa hè cũng là mùa của dưa hường, các bà nội trợ lại vận dụng để có món canh dưa hường cá nục ngọt mát giải nhiệt. Cá nục kho, lấy bớt một ít ráy riêng cá ra, thả chung vô nồi canh dưa hường, đánh thêm tí ruốc, tí gia vị, chờ nước sôi thêm chừng 10 phút cho dưa hường ngấm đều gia vị, rải một ít ngò gai. Trưa hè chỉ cần một tô canh dưa hường dậy thơm mùi cá hòa quyện mùi ruốc nồng nàn hương đượm, vậy là đủ để cả nhà ngồi quây quần bên nhau, vừa ăn chén cơm gạo mới vừa chuyện trò ấm cúng. Dân dã vậy thôi, thế mà chị tôi mỗi lần vào kỳ nghỉ hè lại vượt cả ngàn cây số về nhà chỉ để nũng nịu nhờ mạ nấu cho tô canh dưa hường cá nục, chị ăn hết sạch trơn.
Nhớ những ngày kinh tế khó khăn, có những hôm mạ cứ mua cá nục hoài (có lẽ do nó rẻ, dễ ăn). Tuy mạ khéo léo chế biến thành nhiều món nhưng tôi cứ phụng phịu, ngao ngán nhìn trong mâm cơm chỉ thấy toàn cá nục, dỗi hờn. Hôm sau mạ lặng lẽ kho riêng cho tôi một dĩa thịt, còn mạ, vẫn là nồi cá nục hâm lại từ hôm qua. Tôi nghẹn lòng, tự trách mình sao ích kỷ, chỉ biết nhất thời suy nghĩ cho riêng mình.
Đêm trăng, bên ấm nước chè, ba tôi nằm đung đưa trên chiếc võng mắc dưới giàn bầu, cất giọng: “Con cá nục gai bằng hai con cá nục vọng/ Vợ chồng nghĩa trọng, nhân ngãi tình thâm/ Xa nhau muôn dặm cũng tầm/ Gặp nhau hớn hở tay cầm lời trao/ Ơn cha nghĩa mẹ cao dày/ Tình chồng nghĩa vợ thảo ngay trọn đời”...
Hồn nhiên như tên gọi, cá nục xanh tươi, óng ánh trên mẹt, trên rổ, theo chân các bà, các chị vào mỗi bữa cơm của gia đình. Dễ ăn, dễ mua, ấy vậy mà những ai đi xa trong nỗi nhớ cội nguồn đau đáu, cá nục đã nên thương trong hương vị quê nhà.