Anh Trần Quốc Tín với những lu nước mắm

Cũng như nhiều gia đình khác ở Phú Thuận (Phú Vang), chị Nguyễn Thị Hái, 42 tuổi, ở thôn An Dương 3 phụ gia đình làm nước mắm ruốc từ nhỏ nên chị nắm rất vững kỹ thuật chế biến; chỉ cần nhìn con khuyết, con cá là có thể xác định được chất lượng của sản phẩm.

Chị Hái tâm sự: “Không đợi chi khách hàng khen, mình cũng rất tự tin với sản phẩm do mình chế biến, nhưng vì sản xuất đơn lẻ nên không gian và khách hàng đều hạn chế, cố lắm thì thu nhập cũng đủ chi phí sinh hoạt gia đình”.

Đó cũng là tình hình chung của các gia đình chế biến thủy sản ở vùng biển Phú Thuận. Việc chế biến thủy, hải sản được xem là nghề làm thêm cho người nội trợ.

Chất lượng nước mắm Phú Thuận được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh công nhận, nhiều gia đình mỗi năm ướp hàng trăm tấn ruốc nhưng cung vẫn không đủ cầu. Song, như lời tâm sự của chị Nguyễn Thị Vân, ở thôn An Dương, dù rất tiếc vẫn phải từ chối khách hàng vì không đủ không gian sản xuất.

Để xây dựng thương hiệu nước mắm Phú Thuận, đầu năm 2018, xã thành lập Hiệp hội làng nghề nước mắm (LNNM) An Dương, nhằm giúp các tổ chức, hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng và bao tiêu sản phẩm nước mắm cũng như các sản phẩm chế biến từ thuỷ sản khác ở Phú Thuận.

 Thời gian đầu, việc kêu gọi hội viên gặp nhiều khó khăn. UBND xã thành lập ban vận động để tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu về các lợi ích của hội viên khi liên kết sản xuất, như: mở rộng diện tích, góp vốn đầu tư máy móc hiện đại và thương hiệu được quảng bá rộng rãi.

Bà Nguyễn Thị An, 70 tuổi, thổ lộ: “Bao thế hệ gia đình tui cứ rứa tự sản xuất nước mắm. Ai ăn cũng khen ngon, nhưng nhà chỉ chứa được vài chục cái lu nên chỉ bán cho khách quen. Chừ nghe nói tham gia hiệp hội sẽ được chính quyền tạo điều kiện sản xuất, sản phẩm có nhãn mác đàng hoàng tôi rất mừng, hy vọng từ đó thu nhập gia đình cũng tăng”.

Đến nay, Hiệp hội LNNM An Dương đã kết nạp 50 hội viên. Bên cạnh thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng và phát triển hệ thống thương mại phục vụ cho việc tiêu thụ sản phẩm, hiệp hội còn phối hợp với các cơ quan liên quan để tập huấn, hướng dẫn kiến thức về sản xuất, kinh doanh và xây dựng thương hiệu, nhãn mác... để hội viên thực sự xem đây là diễn đàn, cùng trao đổi kinh nghiệm, đóng góp ý kiến, hướng tới nâng số lượng sản phẩm nước mắm tiêu thụ lên 2 triệu lít/năm và các sản phẩm chế biến từ thủy sản đạt 1.700 tấn/năm (mắm dưa, mắm rò, ruốc các loại).

Anh Trần Quốc Tín, Chủ tịch Hiệp hội LNNM An Dương cho biết: Đáng mừng là, hội viên rất cởi mở truyền đạt bí quyết cho nhau, điều mà khi còn sản xuất đơn lẻ thường được mọi người giấu giếm. Nhiều hội viên yêu cầu hiệp hội phải có các biện pháp thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể với các cơ sở sản xuất bị giải thể, phá sản để tránh ảnh hưởng xấu đến uy tín của nhãn hiệu tập thể được bảo hộ.

Tại cơ sở chế biến nước mắm của mình, anh Tín vui mừng cho chúng tôi xem những chai nước mắm đã dán nhãn hiệu, khẳng định: “Nhìn chai nước mắm có nhãn mác thấy giá trị hơn hẳn, như thế này mới xứng đáng với chất lượng mà người dân Phú Thuận tâm huyết giữ gìn bao đời nay”.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận thông tin: Chính quyền địa phương không chỉ tập trung phát triển thương hiệu và chất lượng nước mắm Phú Thuận; về lâu dài, tiếp tục hỗ trợ bà con thành lập HTX để sản xuất theo hướng tập trung, giảm chi phí đầu tư trong thu mua nguyên liệu và tìm nguồn bao tiêu sản phẩm; đồng thời, quản lý nghiêm ngặt quy trình nhằm giữ chất lượng và uy tín cho thương hiệu nước mắm Phú Thuận.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN