Hôm đi Thái Lan vào một nhà hàng sang trọng, thấy thêm có lavabo bằng gỗ.

Thị trường vật liệu xây dựng và nội thất bây giờ phong phú và đa dạng. Có đủ các loại phân khúc thị trường. Một món hàng thôi chỉ vài trăm ngàn đồng cũng có, vài triệu đồng cũng có, thậm chí là hàng chục triệu đồng cũng có… Muôn màu muôn vẻ.

Ngoài chất lượng, công năng sử dụng, giờ dường như người ta còn có nhu cầu hướng đến yếu tố thẩm mỹ cao hơn. Vậy là sinh ra nhiều cách chơi, kiểu chơi. Để đáp ứng nhu cầu này là một sự sáng tạo. Ai có nhiều sáng tạo thì sẽ chiến thắng trong cuộc chơi này.

Một cái lavabo bằng đá, chuông vuông chừng

60x60 cm, nặng 70 kg phải lục tìm trên mạng và mua từ Đồng Nai chuyển ra. Giá chiếc lavabo này 2,2 triệu đồng nhưng riêng tiền cước vận chuyển ra đến Huế là 500 ngàn đồng.

Khi mua chiếc lavabo, tôi nghĩ đến nguyên liệu đá granit Lộc Điền (Phú Lộc). Một câu hỏi hiện lên trong đầu là tại sao người dân của chúng ta hết đời này đến đời khác chỉ miệt mài làm một món đá chẻ truyền thống, giá trị không cao trong khi có thể chuyển sang làm sản phẩm khác, mang lại giá trị cao hơn? Hôm trước, giám đốc một sở chuyên ngành về lao động của Thừa Thiên Huế có “xin” sự góp ý của nhiều người, với đề bài: “Làm sao để dân Huế giàu lên?”. Câu hỏi đôi khi nằm ở chỗ này chăng?

Làm một chiếc lavabo bằng đá, tôi hình dung nó giống như cả hàng trăm năm trước, cha ông ta làm ra chiếc cối xay đá để xay bột gạo vậy thôi. Hồi xưa thì dùng sức để đục đẽo. Có khi gần hoàn thành mà bất cẩn bị vỡ thì coi như mất công sức. Giờ thiết bị máy móc đủ loại hỗ trợ, chắc là làm nhanh hơn rất nhiều.

Nếu như người Lộc Điền có thể làm ra một sản phẩm như vậy, đạt tiêu chuẩn như vậy, bán ở thị trường Huế và lân cận, tôi nghĩ là có sức cạnh tranh. So với Đồng Nai, riêng cước vận chuyển và chi phí giá nhân công đã mang tính cạnh tranh rồi.

Kể lại câu chuyện này, có người đặt ngược câu hỏi: Sợ ít ai dùng. Cũng có ý là nhu cầu thị trường không có.

Thế có một câu hỏi tiếp theo: Có phải chiếc điện thoại iphone, hay chiếc máy tính bàn trở nên phổ biến hiện nay có kích thích thị trường phát triển không? Có đấy. Chỗ này là sản phẩm ra đời trước để dẫn dắt thị trường phát triển. Ở trong này nó chứa đựng sự sáng tạo.

Tôi được biết tại một khu resort ở Huế rất thành công trong việc thu hút khách quốc tế là nhờ một trong những yếu tố sử dụng vật liệu bản địa mộc mạc, trong đó các sản phẩm đá nguyên khối tạo hình đã được sử dụng trong các công trình phụ. Có lẽ, du khách thích thú vì tìm thấy sự độc đáo ở đây. Những người nhanh nhạy với nhu cầu đa dạng của thị trường đã sáng tạo ra những loại vật liệu nội thất như vậy. Và họ kiếm được tiền và thậm chí nhiều tiền từ đấy.

Đôi khi những thợ đá Lộc Điền suốt ngày miệt mài làm công nên họ không có điều kiện để học hỏi, hoặc sáng tạo ra những sản phẩm mới. Họ không đọc được nhu cầu của thị trường nó phong phú như thế nào. Thế thì ai là người giúp họ? Tôi nghĩ vai trò của chính quyền chính là ở chỗ này. Chính quyền có cả một hệ thống quản lý và hỗ trợ chuyên ngành ở nhiều lĩnh vực. Cán bộ của chính quyền cũng đi đây đi đó nhiều, tầm nhìn chắc chắn được mở rộng hơn những người dân suốt ngày quần quật làm những công việc giản đơn!? Giúp dân giàu có hơn, suy cho cùng, cũng phụ thuộc một phần vào chính quyền.

Cát Sơn