ClockThứ Sáu, 08/09/2017 21:58
PHỔ CẬP GẠCH KHÔNG NUNG:

Người tiêu dùng e ngại chất lượng

TTH - Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây không nung (GKN) trên địa bàn tỉnh do Sở Xây dựng tổ chức sáng 8/9 đã chỉ ra những bất cập trong sử dụng GKN ở các công trình xây dựng. Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Giới thiệu sản phẩm gạch không nung của Công ty CP Long Thọ

Sự cố khi thi công

Ông Nguyễn Đại Viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng nhận định: Theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 29/8/2013, kể từ ngày 01/01/2016 tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh sử dụng vốn Nhà nước phải tuân thủ sử dụng 100% GKN. Hiện, 100% công trình có vốn Nhà nước đều tuân thủ quy định trên. Tuy nhiên, tại các công trình dân sinh, sản phẩm này còn khá xa lạ, chưa được người dân quan tâm sử dụng.

Trên địa bàn hiện có 4 cơ sở đã đầu tư GKN lớn và các cơ sở nhỏ lẻ có tổng công suất trên 15.000 m3/năm, nhưng mỗi năm chỉ tiêu thụ được khoảng 500 m3.

Nhiều nhà máy GKN dù đầu tư hàng chục tỷ đồng mua các dây chuyền sản xuất song đành đóng cửa, như dây chuyền sản xuất gạch bê tông nhẹ của Công ty TNHH Trường An. Công ty CP 1/5 cũng có kế hoạch phát triển gạch không nung từ 2015, đã đầu tư hệ thống nhà xưởng nhưng chưa nhập máy móc do lo ngại về đầu ra sản phẩm.

Các sản phẩm gạch không nung chưa có chỗ đứng một phần do người dân chưa có thói quen sử dụng GKN và lo ngại về chất lượng sản phẩm.

Tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng, các công trình sử dụng gạch không nung như: gạch bê tông nhẹ, gạch block đặc và rỗng; gạch bê tông đặc và rỗng... xuất hiện hiện tượng nứt tường không theo quy luật. Các vết nứt theo phương ngang, phương thẳng đứng, nứt xuyên tường... gây thấm, giữ ẩm lâu làm hư hại lớp sơn tường.

Mặc dù không có sự cố hư hỏng công trình nặng, song các khuyết tật xảy ra làm ảnh hưởng đến chất lượng, thẩm mỹ gây thiệt hại về kinh tế, kéo dài thời gian bàn giao công trình, gây tâm lý ngại và sợ sử dụng gạch không nung trong người sử dụng.

Ông Đặng Quang Ngọc, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh thông tin, nhiều dự án do Ban làm chủ đầu tư khi sử dụng GKN đã xảy ra một vài sự cố.

Đơn cử như, công trình văn phòng làm việc các Ban của Tỉnh ủy, ban đầu sử dụng gạch nhẹ của Công ty TNHH Trường An sản xuất, tuy nhiên do chất lượng bê tông không đảm bảo, gây nứt tường nên phải chuyển sang gạch đất sét nung. Trường THPT Nguyễn Huệ giai đoạn 2 ban đầu sử dụng gạch nhẹ Trường An cũng xảy ra tình trạng nứt và chuyển sang sử dụng gạch bê tông cốt liệu của Công ty CP Gạch không nung Việt Nhật.

Riêng các dự án Trường THPT Thuận An (giai đoạn 3); Trường THPT Hương Vinh (giai đoạn 2)... đang thi công sử dụng gạch bê tông cốt liệu (có chứng nhận hợp quy), chưa xảy ra lỗi trong quá trình thi công.

Nâng cao chất lượng  

Để khắc phục những hạn chế về chất lượng cũng như mở rộng thị trường sản phẩm GKN, các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan quản lý Nhà nước, nhà sản xuất, tuyên truyền nâng cao ý thức của chủ đầu tư và người tiêu dùng.

Theo ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp sản xuất phải đầu tư chiều sâu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm bảo đảm độ chính xác, đồng đều về quy cách sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Tăng cường sử dụng phế thải công nghiệp, tiết kiệm nguyên liệu, tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, lấy chất lượng sản phẩm lên hàng đầu nhằm tạo dựng thương hiệu, thị trường.

Sử dụng GKN vào công trình xây dựng có quy trình, kỹ thuật khác nhiều so với gạch nung. Vì vậy, người thợ phải được tập huấn cũng như hướng dẫn các kỹ thuật xây dựng, quá trình xây dựng và tuân thủ kỹ thuật thi công, nghiệm thu công trình xây dựng. Đơn vị thi công phải trang bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ thi công, vật tư kỹ thuật chuyên dụng, kết nối giữa tường và cột, dầm bê tông, cửa đi, cửa sổ…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, tỉnh đã có nhiều giải pháp tăng cường sử dụng GKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Xóa bỏ các lò gạch thủ công, gạch tuynel được xem là giải pháp hiệu quả ban đầu nhằm giúp GKN tìm chỗ đứng. Tuy nhiên, thực tế hiệu quả mang lại chưa cao.

Các  đơn vị đầu tư phát triển gạch không nung cần nghiên cứu khắc phục các nhược điểm của gạch không nung, công bố hợp quy sản phẩm, tiến gần hơn với tập quán xây dựng của người dân, có như thế mới tạo được chỗ đứng cho sản phẩm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ban quản lý dự án, các huyện, thị, thành phố và các sở, ngành cần chung tay, có các giải pháp phối hợp nhằm đưa GKN trở thành sản phẩm xây dựng phổ thông được nhiều người tiêu dùng biết tới.

Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ảm đạm ngành xây dựng dân dụng

Thông thường vào dịp cuối năm là thời điểm nhiều người chạy đua thời gian để xây dựng, sửa chữa tân trang nhà cửa để đón tết. Tuy nhiên, năm nay không khí này khá ảm đạm.

Ảm đạm ngành xây dựng dân dụng
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Địa chỉ nào uy tín cho người tiêu dùng khi tìm kiếm hàng ngoại nhập?

Sự xuất hiện tràn lan của hàng ngoại trên thị trường giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn sản phẩm mong muốn. Tuy nhiên, xen lẫn sản phẩm chính hãng là những mặt hàng gắn mác “ngoại” giả, kém chất lượng. Vậy đâu mới là địa chỉ cung cấp hàng ngoại nhập uy tín giúp khách hàng tránh cảnh “tiền mất tật mang”?

Địa chỉ nào uy tín cho người tiêu dùng khi tìm kiếm hàng ngoại nhập
Return to top