Mức độ lạc quan về tác động của công nghệ đối với tương lai việc làm thay đổi ở mỗi quốc gia. Ảnh: Wikimedia Commons

Cụ thể, khoảng 52% thế hệ dưới 35 tuổi trong khu vực này tin rằng, công nghệ sẽ làm tăng số lượng việc làm; trong khi 67% nhận định, công nghệ sẽ tăng khả năng kiếm được thu nhập cao hơn.

Cuộc khảo sát thu thập kết quả từ 64.000 công dân ASEAN. Đa số người được hỏi đến từ 6 quốc gia gồm: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Philippines.

Mức độ lạc quan về tác động của công nghệ đối với tương lai của việc làm khác nhau theo từng quốc gia. Thanh niên Singapore và Thái Lan ít lạc quan hơn, trong khi giới trẻ Indonesia và Philippines lạc quan hơn nhiều. Ở Singapore, chỉ có 31% tin rằng, công nghệ sẽ tăng số lượng việc làm, so với 60% ở Philippines.

“Những công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ đem đến sự gián đoạn đáng kể cho thị trường việc làm. Chưa ai biết được tác động của những công nghệ này lên công ăn việc làm và tiền lương. Trên toàn cầu, có lo ngại rằng, sự thay đổi công nghệ có thể làm tăng sự bất bình đẳng và thất nghiệp. Tuy nhiên ở ASEAN, ý kiến dường như lạc quan hơn nhiều”, ông Justin Wood, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của WEF cho hay.

Ngoài ra, cuộc khảo sát cũng chỉ ra, trên khắp ASEAN, thanh niên dành trung bình 6 giờ 4 phút trực tuyến mỗi ngày, với 61% thời gian dành cho giải trí và 39% cho hoạt động công việc.

Trong số các quốc gia được khảo sát, thanh niên Thái Lan dành nhiều thời gian trực tuyến nhất, trung bình 7 giờ 6 phút. Thanh niên Việt Nam dành ít thời gian trực tuyến nhất, trung bình 5 giờ 10 phút.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ WEF & Devdiscourse)