Nghiên cứu cũng cảnh báo quá nhiều người ăn quá ít ngũ cốc nguyên hạt, trái cây,... để duy trì lối sống khoẻ mạnh. Ảnh: AFP

Liên Hiệp quốc (LHQ) ước tính, gần 1 tỷ người trên toàn thế giới bị suy dinh dưỡng, trong khi gần 2 tỷ người "thừa dinh dưỡng". Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất về các xu hướng chế độ ăn uống toàn cầu, được công bố trên Tạp chí The Lancet cho thấy, ở gần 195 quốc gia được khảo sát, người dân cũng ăn quá nhiều loại thực phẩm không tốt, trong khi lại tiêu thụ ở mức độ thấp đáng lo ngại các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe.

Nghiên cứu xem xét các xu hướng tiêu dùng và bệnh tật trong giai đoạn 1990-2017 cũng cảnh báo, có quá nhiều người ăn quá ít ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, và các loại hạt để duy trì lối sống khoẻ mạnh.

Trong số 11 triệu ca tử vong do chế độ ăn uống nghèo nàn, cho đến nay, nguyên ngân gây tử vong lớn nhất là bệnh tim mạch, thường được gây ra hoặc trở nên tồi tệ hơn bởi béo phì.

"Chế độ ăn uống nghèo nàn là nguyên nhân gây ra nhiều ca tử vong hơn bất kỳ yếu tố nguy cơ nào khác trên thế giới", tác giả nghiên cứu Christopher Murray, Giám đốc Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe tại Đại học Washington (Mỹ) nhấn mạnh.

Trong số 195 quốc gia được nghiên cứu, tỷ lệ các ca tử vong liên quan đến chế độ ăn uống cao nhất ở Uzbekistan và thấp nhất ở Israel. Mỹ xếp thứ 43, trong khi Anh đứng thứ 23, Trung Quốc ở vị trí 140 và Ấn Độ xếp thứ 118.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ AFP & Reuters)