ClockChủ Nhật, 13/03/2022 14:43

Áo dài ra chợ

Các chị tiểu thương mặc áo dài

Đã mấy năm rồi, tôi chưa ghé lại chợ Đông Ba. Bạn bè tôi cũng thế. Họ có chung nỗi “ám ảnh” về việc nói thách, sợ bị hớ, rồi bị móc túi. Bạn tôi, người đi cùng năm đó bị móc túi mất cái điện thoại còn bảo, sẽ không trở lại chợ Đông Ba thêm lần nào nữa nếu họ không thay đổi. Còn tôi thêm nỗi ám ảnh khác khi theo mẹ đi chợ lấy hàng hóa là sự xô bồ, chật chội, chen lấn, có lúc phải đi nghiêng giữa các gian hàng cơi nới quá mức. Và cả những lần đi tác nghiệp, sợ nhất là vừa đưa máy ảnh lên chưa kịp chụp đã ăn nguyên “một tràng chửi”.

Thế mà lần trở lại này, dịp chợ hưởng ứng Ngày Quốc tế Phụ nữ và kỷ niệm ngày Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (từ 1-11/3), chợ Đông Ba có một diện mạo khác hẳn. Phía cổng chính không còn những gian hàng chen ra tới đường Trần Hưng Đạo, phía bên trong lối đi cũng rộng rãi hơn. Đường Chương Dương cũng phong quang, sạch đẹp và cả phía bờ sông Đông Ba cũng thế. Điều đặc biệt nữa là chị em tiểu thương ai cũng mặc áo dài, mỗi người mỗi kiểu, mỗi sắc thái càng làm cho không gian nơi này thêm sắc màu, hấp dẫn.

Lại nói về giá cả, tôi cũng khá ngạc nhiên rồi thích thú với các bảng niêm yết kèm câu: “Vui lòng không trả giá”. Tất nhiên chưa phải 100% gian hàng đều có bảng niêm yết giá, nhưng với sự thay đổi này đã cho thấy những đổi mới rất văn minh của tiểu thương chợ Đông Ba. Và tôi đã không còn ngần ngại mua hàng hóa, thực phẩm.

Đem câu chuyện này kể với người bạn bị móc điện thoại nêu trên, bạn cũng không kém phần kinh ngạc, rồi bảo: Hôm mô có thời gian chở tui qua chợ Đông Ba một bữa, tôi cười gật đầu. Và bạn đã không thất vọng khi cảm giác lo sợ nhiều năm về trước không còn, thay vào đó là sự hào hứng, check-in cùng chị bán hàng thân thiện.

Nêu câu chuyện ở chợ Đông Ba để thấy, thật ra muốn thay đổi một thói quen, phương thức kinh doanh với cá nhân đã khó, với tập thể lại càng khó hơn. Vậy mà tiểu thương chợ Đông Ba đã làm được, họ dần thay đổi từ cách thức bán hàng, đến lời ăn tiếng nói và cách ăn mặc. Họ chấp nhận mặc áo dài ra chợ, bỏ qua rất nhiều sự bất tiện để hưởng ứng tuần lễ áo dài. Và quan trọng hơn là xây dựng hình ảnh chợ thân thiện, văn minh. Việc làm, hành động của họ đã có sức lan tỏa lớn khi những hình ảnh tiểu thương trong tà áo dài thướt tha, rạng rỡ bán hàng, tươi cười chào khách… được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, trang mạng xã hội. Người dân và du khách đến chợ nhiều hơn. Chưa nói đến hiệu quả kinh tế, chỉ cần nhìn hình ảnh chợ được quảng bá tinh tươm, sạch sẽ, thân thiện đã là điều đáng quý. Đó cũng là cách tốt nhất để xóa đi những điều chưa hay, chưa đẹp trước đây và có thể còn lưu cữu ở chợ Đông Ba.

Thế nên, những cách làm hay, hành động đẹp như vận động tiểu thương mặc áo dài, giữ vệ sinh, đảm bảo trật tự đô thị… như ở chợ Đông Ba cần được duy trì thường xuyên hơn nữa và nếu được nhân rộng ở ít nhất là các chợ trung tâm TP. Huế thì quá tốt.

TÂM HUỆ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người tốt ở Đông Ba

Những hành động tử tế tại chợ Đông Ba giúp ngôi chợ hơn 124 tuổi ngày càng xây dựng được hình ảnh thân thiện, văn minh.

Người tốt ở Đông Ba
Huế xưa Huế mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa Huế mới
“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Áo dài Huế, một nét rất riêng

“Áo dài trở thành một nét văn hóa của phụ nữ Việt Nam nói chung. Với phụ nữ Huế nói riêng, áo dài là niềm tự hào, bởi áo dài Huế đã là một thương hiệu được “đóng đinh” trong lòng mọi người. Để áo dài được thăng hoa, tôn vinh thì sự lan tỏa, quảng bá của chị em, của hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh là điều hết sức cần thiết. Hình ảnh người phụ nữ Huế trong chiếc áo dài truyền thống chính là một nét đẹp, một nét văn hóa rất riêng của Huế”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ tại buổi gặp mặt phụ nữ Thừa Thiên Huế nhân dịp kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Áo dài Huế, một nét rất riêng

TIN MỚI

Return to top