Thế giới

ASEAN: Xuất khẩu vượt mức trước đại dịch nhờ chip và ô tô

ClockThứ Sáu, 30/07/2021 07:52
TTH.VN - Tạp chí Nikkei Asia ngày 29/7 có bài viết cho hay, xuất khẩu từ khu vực Đông Nam Á đã vượt qua mức trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, nhờ sự phục hồi kinh tế ở Mỹ và Trung Quốc, làm gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm của khu vực này.

ASEAN với các biện pháp thương mại ứng phó thời đại dịchViệt Nam-ASEAN khẳng định vị thế hợp tác khu vực và thế giới

Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất chất bán dẫn. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Cụ thể, Thái Lan, Việt Nam và 3 nền kinh tế lớn khác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã báo cáo xuất khẩu trong tháng 6 năm nay vượt quá các con số được ghi nhận vào tháng 6/2019.

Ông Wong Siew Hai, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Malaysia cho rằng: “Nhu cầu toàn cầu vẫn mạnh mẽ. Chúng tôi đang cố gắng sản xuất càng nhiều càng tốt để đáp ứng các đơn đặt hàng của khách hàng".

Đáng chú ý, khoảng 7% thương mại chất bán dẫn trên toàn thế giới đi qua Malaysia. Ngay cả trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng COVID-19, đơn đặt hàng đối với các sản phẩm bán dẫn vẫn chưa bao giờ giảm. Trong tháng 6 vừa qua, Malaysia đã xuất khẩu 105,4 tỷ ringgit (tương đương 24,8 tỷ USD), tăng 27% so với một năm trước đó.

Theo Chính phủ Malaysia, đóng góp vào sự mở rộng của xuất khẩu là nhu cầu mạnh mẽ đối với các vi mạch tích hợp được sử dụng trong điện thoại thông minh, ô tô và các thiết bị gia dụng. Ngoài ra, các sản phẩm cao su và dầu mỏ cũng tăng gấp đôi lượng xuất khẩu so với một năm trước đó. Xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục về giá trị.

Tiếp đó, các mặt hàng xuất khẩu chính của Thái Lan cũng tăng trưởng nhanh chóng. Ô tô và phụ tùng ô tô đã tăng 79% trong tháng 6 so với một năm trước đó, trong khi máy vi tính và các bộ phận máy vi tính tăng 22%. Xuất khẩu nói chung tăng 44%, đánh dấu tốc độ nhanh nhất trong 11 năm qua.

Xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đều tăng hơn 40%. Sự phục hồi kinh tế ở các đối tác thương mại này đã mở rộng sang nền kinh tế Thái Lan.

Xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục mạnh mẽ, phần lớn là nhờ các sản phẩm điện thoại thông minh do Samsung Electronics của Hàn Quốc sản xuất, chiếm khoảng 20%​​tổng sản lượng.

Hồi năm 2020, xuất khẩu của khu vực Đông Nam Á đã phải hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề do những biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 đối với các hoạt động kinh tế, cũng như sự lây lan của đại dịch ở các nền kinh tế tiên tiến.

Tuy nhiên, các lô hàng đã bắt đầu phục hồi kể từ đầu năm nay. Malaysia ghi nhận xuất khẩu kỷ lục trong tháng 4, trong khi các nền kinh tế lớn khác trong khu vực cũng đã vượt mức trước đại dịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn từ tháng 4 - 6.

Bên cạnh đó, theo báo cáo triển vọng mới nhất do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ngày 27/7, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 7% và nền kinh tế Trung Quốc sẽ mở rộng 8,1% vào năm 2021. Nhu cầu ở nước ngoài được dự kiến ​​sẽ tiếp tục thúc đẩy sự gia tăng về xuất khẩu của khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại gần đây của các ca nhiễm COVID-19 trong khu vực này đe doạ đến sản xuất công nghiệp, điều này sẽ làm giảm xuất khẩu.

Cũng trong ngày 27/7, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng đối với 5 nền kinh tế hàng đầu ASEAN (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, và Việt Nam), giảm 0,6 điểm xuống còn 4,3% trong năm nay.

Lê Thảo (Lược dịch từ Nikkei Asia)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Liên kết hữu ích

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Chuyên gia bày tỏ lo ngại về bệnh cúm gia cầm lây sang người

Sự lây lan toàn cầu đang diễn ra của các ca nhiễm “cúm gia cầm” sang động vật có vú trong đó có con người là một mối quan ngại lớn về sức khỏe cộng đồng, các chuyên gia y tế cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 18/4 cho biết, khi họ công bố các biện pháp mới nhằm giải quyết những bệnh lây truyền qua đường không khí.

Chuyên gia bày tỏ lo ngại về bệnh cúm gia cầm lây sang người
ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh

Đông Nam Á có thể mở khóa thêm 300 tỷ USD doanh thu hàng năm từ các khoản đầu tư xanh vào năm 2030, nếu các chính phủ tăng cường hợp tác về lưới điện và thị trường carbon trong khu vực, đồng thời đưa ra những biện pháp khuyến khích tốt hơn cho năng lượng sạch và các quy định rõ ràng hơn về tài chính xanh, theo báo cáo của Bain & Company, GenZero, Standard Chartered và Temasek được công bố ngày hôm nay (15/4).

ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh
Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
Return to top