|
Điều cần thiết là phải đưa ra những động lực phù hợp để phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó tốt hơn trong tương lai. Ảnh minh họa: Getty Images/TTXVN/Báo Tin tức |
Vòng đàm phán cuối cùng đã bỏ lỡ mục tiêu hoàn tất hiệp ước vào Lễ Phục sinh (31/3) vừa qua. Vì vậy, 194 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cần phải sẵn sàng thông qua hiệp ước tại hội nghị thường niên của tổ chức bắt đầu vào ngày 27/5 tới.
Trước đó, các quốc gia sẽ quay trở lại trụ sở của WHO ở Geneva để tham gia vòng đàm phán bổ sung từ ngày 29/4 - 10/5 tới đây.
Roland Driece, người đồng chủ trì các cuộc đàm phán mong muốn các quốc gia tận dụng thêm thời gian để tìm kiếm sự thỏa hiệp.
Các vấn đề chính bao gồm việc chia sẻ khả năng tiếp cận các mầm bệnh mới nổi, giám sát tốt hơn các đợt bùng phát dịch bệnh, nguồn tài chính đáng tin cậy và chuyển giao công nghệ chống đại dịch cho các nước nghèo hơn.
Trước thềm các cuộc đàm phán này, một số quốc gia đã nêu lên mối lo ngại xuất hiện một đại dịch COVID-19 khác, khiến các nền kinh tế bị tàn phá, hệ thống y tế bị tê liệt và cướp đi sinh mạng của nhiều người. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, dù tình hình có diễn biến như thế nào thì vẫn phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là đảm bảo tính cấp bách và trọng tâm, không vì bất kỳ lý do gì mà thay đổi.
Qua đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, các quốc gia vẫn cam kết đạt được thỏa thuận trước đại hội.
Trong một động thái liên quan, Cơ quan đàm phán liên chính phủ (INB) sẽ chuẩn bị một dự thảo mới hợp lý hơn trước ngày 18/4, trong đó tập trung vào các lĩnh vực có điểm chung. Trước thông tin này, một đại sứ châu Âu cho rằng, điều cần thiết là phải đưa ra những động lực phù hợp để phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó tốt hơn trong tương lai.
THANH NGÂN (Lược dịch từ LinkedIn)