Nhân viên đón tiếp rất niềm nở, nhưng khi nghe ý định của tôi chỉ là đến nhờ xem, sửa đồng hồ chứ không phải đến mua hàng họ liền thay đổi thái độ rồi chỉ qua bộ phận kỹ thuật ở phòng bên cạnh. Cả ba nhân viên phòng này dù ngồi không, chủ yếu là lướt facebook cũng không buồn ngẩng mặt lên chào khách hàng. Tôi kiên nhẫn một hồi rồi tự gọi nhân viên và trình bày về vấn đề của chiếc đồng hồ. Nhân viên kỹ thuật chỉ xem qua loa rồi kết luận do đời đầu nên khả năng đã “died” (tạm dịch chết máy). Dù vậy tôi vẫn cố nói về thương hiệu và chỉ dùng chưa tới 5 năm để xem có thể sửa được không, song cậu này vẫn không trả lời và bỏ đồng hồ qua một góc. Tôi khá thất vọng trở ra rồi gặp chủ tiệm trao đổi. Anh này miệng mồm xởi lởi hơn hứa sẽ kiểm tra giúp, lúc nào xong sẽ điện thoại cho tôi.
Cung cấp tên, số điện thoại xong tôi ra về và chờ chủ tiệm gọi điện. Song một tuần, hai tuần, rồi một tháng trôi qua, không có bất kỳ cuộc gọi nào từ cửa hiệu nọ. Tôi suốt ruột chạy đến hỏi thì được trả lời là đồng hồ không sửa được. Tôi yêu cầu lấy đồng hồ lại thì nhìn phía sau, tờ giấy dán màu xanh ghi tên, số điện thoại khách hàng còn nguyên, như chưa từng có dấu hiệu kiểm tra.
Tôi trở ra thì chủ tiệm cũng với thái độ xởi lởi ban đầu giới thiệu các loại đồng hồ cũng của Apple nhưng đời cao hơn. Nghe chủ hiệu khẳng định chắc nịch là đồng hồ của tôi đã “died”- tôi phần vì thích cái Apple đời mới, phần vì chủ tiệm PR quá hay cho sản phẩm nên đã không ngần ngại chi cả tháng lương để mua cái mới. Tất nhiên là hàng nguyên hộp, có bảo hành.
Về nhà, tôi tò mò lấy cục sạc của đồng hồ mới thử sạc đồng hồ cũ xem thế nào. Quả nhiên có tín hiệu, chỉ vài giờ là đầy pin, đồng hồ hoạt động như cũ, không hề “died” như nhân viên kỹ thuật và chủ tiệm kia nói. Và đến bây giờ đã mấy tháng qua, đồng hồ cũ vẫn ổn.
Tôi đem câu chuyện kể với một người bạn, chị nói đúng là “bán hàng không có tâm”. Họ cố tình không kiểm tra và nói dối là đồng hồ hỏng không sửa được để bán cái mới. Không như một chủ tiệm cũng bán điện thoại và các thiết bị máy móc do hãng Apple sản xuất mà chị biết. Lúc nào đến mua hàng, chủ tiệm nọ cũng tư vấn rất kỹ và khuyên khách hàng không nên mua điện thoại, đồng hồ mới khi cái cũ còn sử dụng được. Dù làm vậy, chủ tiệm mất bán một món đồ có khi vài chục triệu đồng, song đổi lại đi đâu chị cũng giới thiệu cho bạn bè, người thân đến mua hàng. Và đã có rất nhiều bạn bè của chị đến cửa tiệm nọ. “Bán hàng như thế mới có tâm”, chị nói.
Tôi tất nhiên là không bao giờ quay trở lại cửa hàng nọ mà sẽ là khách hàng mới của cửa hàng chị bạn. Bởi “bán hàng không có tâm” như anh chủ nọ chắc chắn sẽ khó bền. Bởi trong các kênh quảng cáo, PR sản phẩm, truyền miệng là cách hiệu quả và phổ biến . Do vậy, với cách bán hàng và các dịch vụ sửa chữa không tận tâm như thế sẽ khó có chỗ đứng trong thị trường hàng điện tử ngày cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Hồng Tâm