ClockThứ Hai, 12/10/2020 11:06

Cần có “thuốc” chữa những thói quen phản cảm

TTH - Vận động, tuyên truyền đã quá nhiều rồi. Không chịu chuyển thì không cách nào khác là phải phạt thôi…

Xử phạt đại lý internet từ phản ánh của người dân trên Hue-STái diễn rải vàng mã trên sông Hương

Thuyền vớt rác dọc cầu đi bộ gỗ lim

Không phạt mạnh tay, không ai dọn xuể. Đó là suy nghĩ không chỉ của riêng tôi mà của bất kỳ ai có ý thức khi bắt gặp rác trên đường, rác trong công viên và những nơi công cộng khác.

Nhiều lần tản bộ trong công viên hoặc chạy xe trên đường, bắt gặp vỏ hộp giấy, vỏ hộp xốp, bao ni-lông, cốc và ống hút nhựa…vương vãi, thoạt đầu thấy bực và thầm trách đơn vị phụ trách cây xanh, đô thị làm ăn kiểu gì tắc trách. Nhưng sau đó tìm hiểu, rồi có khi cả tận mắt chứng kiến nhiều trường hợp xem công viên, đường phố như của riêng nhà mình, bạ cái gì cũng xả, ngồi ở đâu cũng xả, mới thấy mình đã trách oan anh chị em công nhân.

Có những lần đi tập thể dục dọc theo các công viên ở bờ nam sông Hương, đến đoạn cầu gỗ lim, trên bờ thấy mấy chị công nhân người thì lom khom nhặt, người thì lặc lè mang túi rác vừa gom xong đến chỗ thùng rác trung chuyển để chờ giải phóng ra khỏi công viên. Dưới nước, một anh công nhân khác chèo chiếc thuyền từ phía cầu Trường Tiền ngược lên men dọc cây cầu gỗ lim, luôn tay dùng vợt vớt các loại rác đang trôi nổi bập bềnh theo sóng nước. Đến cuối cây cầu thì số rác vớt được cũng đã nặng thuyền, anh công nhân cho thuyền tấp vào bờ để chuyển rác đến chỗ gom chung. Nhìn sự tất bật của các anh, các chị, cứ ngỡ sẽ không ai nỡ để các anh chị phải nhọc nhằn thêm. Vậy nhưng, tiếp bước đi về phía cuối công viên, nơi mới trước đó vừa được dọn xong, lại thấy lác đác vỏ bánh, vỏ hộp vương vãi… Đôi lúc gặp người quá nhiệt tình trách nhiệm, họ chụp ảnh cho lên Hue-S, hoặc gọi cho lãnh đạo đơn vị quản lý công viên, vậy là xui xẻo cho anh chị nào phụ trách địa phận đó, có khi bị sếp điện quát toe tua…

Câu chuyện trở thành đề tài bàn luận rôm rả bên bàn cà phê với mấy người bạn sáng nay. Nhiều người dẫn chứng thêm rất nhiều ví dụ sinh động và than phiền, không hiểu vì sao mà quá nhiều người vẫn đang duy trì thói quen rất kỳ dị, bạ đâu xả đấy, tiện đâu vứt đấy. Ngay cả những người đi xe hơi sang trọng, nhưng hễ ăn bánh ăn trái, uống nước uống sữa, lau mặt lau mũi…, xong là hạ cửa ném rác ra ngoài. Đáng buồn và đáng lo nhất là hành vi này cũng tồn tại ở lứa tuổi học sinh. Lẽ ra nhà trường và các bậc làm cha làm mẹ phải giáo dục mạnh mẽ, thường xuyên cho con em mình về ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn, tôn trọng cảnh quan chung. Vậy nhưng điều này có vẻ đã không được làm đến nơi đến chốn. Thế nên buổi sáng ra đường, sẽ không khó để bắt gặp những bạn học sinh được bố mẹ chở đến trường, vừa đi vừa ăn ổ bánh mì, hút ly nước, xong là ném thẳng giấy gói bánh, ly nhựa xuống mặt đường kịp trước khi vào lớp. Lứa tuổi này không được giáo dục để có ý thức thì xã hội không biết cho đến bao giờ mới văn minh, sạch đẹp. Nói đáng lo, đáng buồn là vì vậy!

Ai cũng bảo chung quy là do ý thức của dân mình nhiều người vẫn quá kém. Nhưng khắc phục bằng cách nào? Giáo dục, tuyên truyền ư? “Thao tác” này phải khẳng định là đã được làm rất nhiều, rất dày trên tất cả các phương tiện truyền thông mà chắc chắn ai cũng ít nhất vài lần từng xem, từng nghe, từng đọc. Vậy nhưng tại sao hành vi của nhiều người lại không biến chuyển? Ấy là do ý thức của những người này… “có vấn đề”. Và bài thuốc để chữa cái “vấn đề” nọ chỉ có thể là phạt! Phạt nặng, phạt nghiêm, chắc chắn sẽ biến chuyển. Còn nhớ, có lần đi Thái Lan, dù trước đó đã được nhắc nhở vào khách sạn có biển cấm thì đừng có mà hút thuốc; vào tiệm ăn đừng bao giờ lấy thừa thức ăn. Vậy nhưng, trong đoàn một số người tỏ vẻ…coi khinh. Vào khách sạn vẫn lén lút phì phà; đến quán nướng thì tha hồ gọi, cho dù mỗi đĩa chỉ gắp qua 1 đũa “cho nó có trải nghiệm”. Chỉ đến khi bị ách lại, nộp phạt chừng 5 triệu đồng cho mấy khói thuốc lá, và cũng hơn triệu bạc cho mấy đĩa thức ăn thừa, sau đó thì lập tức trắng mắt, răm rắp cấm có vi phạm.

Ở ta, như cái chuyện chém gió bạt mạng trên mạng xã hội. Nói, khuyên, phê phán vẫn không xi nhê. Dịp COVID-19, một số trường hợp phát ngôn, chia sẻ lung tung lập tức bị truy tới nơi, rất nhanh, và phạt rất nghiêm, xem ra đâu vào đấy liền.

Liên hệ với chuyện xả rác, vận động, tuyên truyền đã quá nhiều rồi. Không chịu chuyển thì không cách nào khác là phải phạt thôi. Huế đang hướng đến đô thị thông minh, camera an ninh theo kế hoạch sẽ được phủ khắp thành phố, Hue-S cũng đang ngày càng tỏ rõ tính hiệu ích. Cần quan tâm phát huy, quyết liệt trích xuất hình ảnh vi phạm và xử phạt ráo riết, chỉ khi ấy, Thành phố xanh, Thành phố 4 mùa hoa, Đô thị văn minh, hạnh phúc, đáng sống mới nhanh chóng nên hình nên hài trong thực tế. Phạt mạnh tay những hành vi vi phạm vệ sinh môi trường, xâm hại cảnh quan công cộng, công chúng và dư luận chắc chắn không có lý do gì mà không đồng tình ủng hộ.

Bài, ảnh: Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy xã hội số

Diễn ra từ 23/10 đến 26/11, Hội thi trực tuyến tìm hiểu về nền tảng số Hue-S do Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức với mong muốn góp phần nâng cao kỹ năng số, thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số của tỉnh.

Thúc đẩy xã hội số

TIN MỚI

Return to top