|
Vị trí này cần lắp đặt tấm biển chỉ dẫn đến đập Cửa Lác để tạo thuận lợi cho người đi đường |
Trong khi chưa có cây cầu từ trung tâm huyện Quảng Điền bắc qua bên kia phá Tam Giang, hiện nay, ngoài việc đi lại bằng đò, đập Cửa Lác cũng là con đường được nhiều người lựa chọn để đi lại giữa hai bên phá.
Từng có lần di chuyển trên đập Cửa Lác để đến xã Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền), thế nhưng, do có nhiều ngã ba, ngã tư và chưa quen đường, tôi đã đi từ xã Quảng Thái lên cầu Hòa Xuân (xã Điền Lộc, huyện Phong Điền) rồi vòng lại về Điền Hòa, Điền Hải mới đến Quảng Ngạn. Việc này đã khiến tôi di chuyển một quãng đường rất xa so với đi đường đập Cửa Lác.
Do đó, việc nhận ra con đường để rẽ phải đến đập Cửa Lác có ý nghĩa rất quan trọng. Với người dân địa phương và những ai quen đường sẽ dễ dàng nhận ra con đường này để rẽ vào, còn đối với người lạ sẽ là một bài toán khó nếu như không ứng dụng công cụ tìm kiếm trên chiếc điện thoại thông minh.
Trước hết, phải nói rằng lỗi một phần do bản thân tôi đã không tìm kiếm đường trên mạng để đi, vì điện thoại không có kết nối internet. Tuy nhiên, nếu như trên con đường đó có gắn thêm một tấm biển chỉ dẫn hướng đến đập Cửa Lác sẽ giúp cho người đi đường cũng như du khách thập phương biết được chính xác vị trí để rẽ vào.
Lãnh đạo xã Quảng Thái cho hay, đập Cửa Lác nằm trên địa bàn xã Quảng Thái là công trình thủy lợi, có chức năng ngăn mặn, giữ ngọt và phục vụ tưới, tiêu cho vùng sản xuất nông nghiệp từ Mỹ Xuyên đến xã Quảng Thái.
“Ngoài chức năng là công trình thủy lợi, đập Cửa Lác còn là tuyến giao thông quan trọng nối Quảng Thái đi các xã vùng Ngũ Điền của huyện Phong Điền. Bên cạnh đó, trên tuyến đập Cửa Lác có 2 cầu với 70 cửa. Đây là địa điểm khá đẹp, rất thơ mộng, là điểm check-in thú vị giữa đầm phá Tam Giang. Do vậy, rất cần thiết phải có sự kết nối, có biển chỉ dẫn đến tuyến đập Cửa Lác trong việc kết nối các tour du lịch cũng như thuận tiện cho giao thông đi lại trong thời gian tới”, lãnh đạo xã Quảng Thái chia sẻ.