Không gian ngập tràn sắc hoa tạo ấn tượng khó quên cho một kỳ Festival nghề thành công
Cứ ngỡ liên tục nhiều tháng không mưa, nắng chao chát như đổ lửa thế ấy thì sẽ không có bông hoa nào đủ sức mà kết nụ bung sắc. Vậy mà, nhờ sự cần mẫn và kinh nghiệm chăm bón của những người làm công tác công viên cây xanh, cùng với sự trợ lực rất đáng kể của doanh nghiệp thêu XQ nhập hoa từ Đà Lạt về… cả thành phố Huế phút chốc rực rỡ màu hoa các loại chào đón du khách và công chúng . Nắng chừng như cũng dịu lại, không khí festival cũng trở nên rộn ràng, ý vị thêm…
Suốt cả tuần lễ diễn ra Festival nghề truyền thống, các điểm diễn ra sự kiện, nhất là không gian công viên Tứ Tượng, phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, cầu gỗ lim bên bờ nam sông Hương người đi như trẩy hội. Không gian quá đẹp, muôn hoa quá gọi mời nên rất nhiều người không thể nào dừng cái việc phải lưu lại cho mình một vài bức hình làm kỷ niệm hoặc đưa lên facebook kể với bạn bè. Tôi cũng không thể ngồi yên trong nhà, hôm nào ít nhất cũng một bận về phố “đi” festival cho có không khí với thiên hạ.
Và, trong những lần như thế, có một hiện tượng khiến tôi cùng không ít người nữa cảm thấy rất phiền lòng. Ấy là tình trạng người người “chen vai kề má” để chụp ảnh với hoa. Nhưng do xem ảnh “nặng” hơn hoa nên có khi rời đi đã khiến không ít “đời hoa” phải ngậm ngùi với phận ngả nghiêng, gãy rụng…. Kỳ lạ hơn nữa là không hiểu do “thói quen” hay sao mà có người, lớn có, trẻ nhỏ có, hễ cứ đi ngang những khóm hoa, khóm cây là lại thò tay vặt lá, vặt cành như một phản xạ vô thức.
Lễ hội áo dài trước Ngọ Môn, hoa góp mặt như một thành tố chủ yếu tạo nên sân khấu tuyệt đẹp. Chương trình vừa xong, sáng hôm sau kiểm đếm, nghe đâu số hoa bị hư hỏng, mất mát đến gần nửa (!??). Thực trạng như thế, một cách không ngoa, nếu không có sự chăm chút, sửa sang, bổ sung từng ngày của chủ nhân XQ và của những anh, những chị công tác ở Trung tâm Công viên cây xanh, hẳn rừng hoa festival đã tả tơi không trụ nổi cho đến ngày bế mạc.
Huế đang đề ra mục tiêu xây dựng “Thành phố 4 mùa hoa”. Muốn thành hiện thực, trước hết phải xây dựng ý thức biết nâng niu, quý trọng cỏ hoa trong mỗi một con người. Đặc biệt, phải loại bỏ cho được cái thói quen “ngắt hoa bẻ cành” rất thiếu văn hóa vẫn tồn tại nơi một số người trong cộng đồng.
Bài, ảnh: HUY KHÁNH