ClockThứ Hai, 24/10/2022 14:03

Cần nhiều mặt thoáng giúp nước thoát, rút nhanh

TTH - Cơ sở hạ tầng từ đô thị đến nông thôn đang hoàn thiện và phát triển. Nếu nhìn tổng thể, bên cạnh yếu tố tích cực đem lại, do sự đầu tư thiếu đồng bộ, lạm dụng “bê tông hóa” và chưa thích ứng trước biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, mà cụ thể là tác động của lũ lụt, nên vô hình chung sự “hiện đại hóa” đang tạo phản ứng ngược.

Có nhiều khoảng đất thoáng, hở sẽ giúp nước mưa thoát, rút nhanh hơn

Những năm gần đây, thời gian mưa có dấu hiệu thu hẹp lại và lượng mưa có xu hướng tăng, đổ xuống liên tục, tập trung vào một thời điểm quá ngắn. Điều này gây nên hiện tượng tăng lượng nước lên trên bề mặt, gây hiện tượng lũ quét, lũ lụt và ngập ứ dài ngày, ngập ứ cục bộ không chỉ trên địa bàn tỉnh mà xảy ra ở nhiều địa phương vốn ít khi xuất hiện như TP. Đà Nẵng, Đà Lạt...

Trên trang Facebook Huy Nguyễn - chuyên gia khí tượng thủy văn, cũng là người chuyên nhận định, cảnh báo, dự báo về tình hình mưa bão, lũ và các hiện tượng thời tiết cực đoan cho rằng, không phải đợi đến bây giờ, nhưng qua trận lụt lịch sử xảy ra vào ngày 14, 15/10 ở TP. Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và một số khu vực miền Trung trước đó để càng khẳng định rằng, bên cạnh một số giải pháp công trình, chúng ta chỉ có thể hạn chế các rủi ro ngập lụt bằng cách tăng không gian cho nước bằng hồ chứa, hạn chế phát triển đô thị kiểu be bờ xung quanh bờ biển, hạn chế lấn sông và hãy dành không gian mặt thoáng cho nước tự chảy. Bằng cách đó sẽ giảm áp lực cho các hạ tầng thoát nước cho đô thị.

TS. Hồ Đắc Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường - Đại học Huế cũng từng đưa ra quan điểm, thực vật đóng vai trò rất quan trọng nên việc cần làm là phải trồng rừng để tạo ra lớp thảm mục thực bì trên bề mặt đất. Khi được làm dày, lớp xen-lu-lô xốp này hút nước rất tốt, thấm dần vào đất, rễ cây và làm giàu hệ thống mực nước ngầm. Tiếp đó là hình thành những hệ thống “Rain garden”, gọi nôm na là bể chứa nước mưa tự nhiên giúp giữ nước trong đất, chống ngập lụt và BĐKH. Ở đô thị, hệ thống “Rain garden” rất cần và đang được nhiều nhà quy hoạch quan tâm.

Đô thị đang ngày càng bê tông hóa. Tất cả nước mưa ở khu vực này chảy xuống mái nhà, qua ống, xuống cống rồi chảy ra các hệ thống ống cống nhỏ to để chảy ra sông. Như vậy, toàn bộ nước mưa rơi xuống trên một diện tích rất lớn của các đô thị đều đổ ra sông mà không thể thấm xuống đất.

Như chúng ta biết, quy hoạch đô thị Huế ngày xưa, hệ thống hồ ao rất phong phú. Tất cả các hệ thống hồ ở nội thành, ngoại thành và sông Ngự Hà được liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành một hệ thống liên thông rút nước rất tốt, giúp giữ nước, hạn chế lượng nước chảy trên bề mặt. Quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch gần như quên đi vai trò của hệ thống giao thông thủy đạo trong thành phố, nên không ít hệ thống ao hồ bị phá vỡ, bồi lấp, làm thu hẹp nhiều diện tích mặt nước. Đó cũng là lý do xuất hiện tình trạng dễ ngập lụt cục bộ ở Huế và đang dần xuất hiện rõ nét ở khu vực nông thôn do bê tông hóa, đô thị hóa.

Ở nông thôn, chúng ta hạn chế bê tông hóa mảnh vườn hoặc mảng sân nhà mình. Các trường học, các công sở không nên bít kín bằng bê tông, vừa nóng vừa không thấm nước. Tương tự như vậy, ở khu vực đô thị lại càng cần mỗi ngôi nhà hạn chế lượng nước mưa chảy ra bên ngoài bằng cách làm một sân cỏ, hồ nong ngay tại ngôi nhà của mình. Ở các khu vực đất công, công viên nên đào những hồ nhỏ không tráng đáy bằng xi măng hay tấm lót nhựa mà được làm thành hầm rút và trồng cây thủy sinh ở giữa. Ngay ở những bãi gara xe, sân vận động, sân vườn... có thể lót những tấm đan không liên tục, tạo kẽ hở cho nước dễ thấm xuống.

Những cách làm này tương tự hầm rút ở mỗi hộ gia đình, tuy nhiên quy mô lớn hơn, thân thiện hơn. Những bể hút này được tạo thành một hồ cạn và quanh bề mặt có thể trồng các đai thủy sinh, cây chịu bán ngập... càng có vẻ rất mát mắt, thân thiện, dễ chịu.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không gian cho nước thoát

Để hạn chế tình trạng ngập lụt cho các khu dân cư, khu đô thị hiện nay, về lâu dài, quy hoạch cần phải đảm bảo cho không gian nước thoát ra sông Hương hoặc thoát về phía đông, ra đồng ruộng. Trong khi đó, việc nâng mặt đường chống ngập sẽ dẫn đến tăng chênh lệch cao độ với dân cư hiện hữu, đồng thời thay đổi lưu vực thoát nước nên cần phải có đánh giá tổng thể bao gồm cả khu vực lân cận.

Không gian cho nước thoát
Return to top