ClockThứ Bảy, 21/07/2018 10:29

Chuyện ở tiệm thuốc tây

Tầm 9 giờ tối, một phụ nữ ghé tiệm thuốc tây hỏi mua lọ thuốc trị mẩn ngứa ngoài da. Chị đi bộ, không cầm túi xách hoặc ví, chứng tỏ nhà chị không xa mà ở quanh khu vực này. Chủ tiệm, một người đàn ông (mặt hơi đỏ, có vẻ có hơi men) báo giá 20 nghìn đồng. Khách: “Ơ, sao người nhà em mới mua bữa trước ở chỗ khác, bảo lọ này chỉ 10 nghìn đồng”? Chủ tiệm: “Có nhiều loại đó chị. Loại này chai lớn hơn”. Chị phụ nữ đồng ý mua, nhận thuốc, đồng thời đưa tờ tiền cầm trong tay cho chủ tiệm và vẫn đứng chờ, ý chừng đợi nhận tiền thối lại. Không thấy chủ tiệm có “động thái” gì, chị nhắc “em đưa tờ 500 nghìn đồng đó anh”. Chủ tiệm nhìn vào hộc đựng tiền tìm tòi rồi cầm lên tờ 20 nghìn đồng (tờ 20 nghìn đồng màu sắc hơi giống tờ 500 nghìn đồng), nói với khách: “Trong hộc tiền không có tờ 500 nghìn nào cả. Chắc chắn chị nhớ nhầm. Nếu chị không tin, tôi cho phép chị vào đây tự mình kiểm tra lại”. Ánh mắt khách hiện lên vẻ hốt hoảng, giận dữ, bán tín bán nghi có thể nào đã bị chủ tiệm “làm xiếc”?. Chị khách khẳng định: “Em không thể nhầm được, vì em biết rõ hôm nay trong túi xách của mình chỉ còn duy nhất tờ tiền này. Vậy nên em mới cầm “nó” đi mua mà không cần phải mang theo túi xách”. Chủ tiệm và khách, ai cũng khăng khăng mình đúng. Cấp độ căng thẳng trong giọng nói và nét mặt mỗi người một tăng dần.

“Thôi được rồi, em sẽ quay về kiểm tra lại trong túi xách của mình”. Chị phụ nữ quyết định, nhưng giọng nói có vẻ như tuyệt vọng, có vẻ như chị chấp nhận mình mất tiền mà không hiểu nguyên nhân vì sao. Những người buôn bán trái cây phía trước tiệm thuốc chứng kiến câu chuyện, “ngẩn tò te” không biết rốt cuộc ai đúng ai sai.

Tầm 15 phút sau, chị quay lại với dáng đi vội vã, ánh mắt ngại ngùng: “Em xin lỗi, thì ra bên hông túi xách sót lại tờ 20 nghìn đồng lúc nãy mà em không biết. Trong đầu cứ đinh ninh chỉ còn 1 tờ 500 nghìn duy nhất nên khi lấy từ túi xách và khi đưa tiền trả em cũng không kiểm tra lại. Lúc nãy em cũng nghĩ, anh có vẻ có hơi men, không được chuẩn, lúc bỏ vào hộc có thể làm rơi tờ tiền của em đâu đó ra ngoài”.

Khách đứng xin lỗi lui xin lỗi tới mấy lần. Chủ tiệm thuốc cười xuề xòa: “Chị xác minh được như vậy là tốt quá rồi. Mà tôi cũng cảm ơn chị. Bởi vì khi đã tìm được tiền, có thể chị sẽ thấy không cần thiết phải quay lại. Thế nhưng chị đã không làm vậy. Chị đã “thắng” sự ngại ngùng của mình để “trả lại” cho tôi cảm giác thanh thản. Dù tôi không làm điều gì khuất tất, không có gì phải “lăn tăn” với lương tâm. Nhưng nếu chị không quay lại, tôi vẫn không thoải mái. Và những “hàng xóm” của tôi (anh cười nhìn những người buôn bán trái cây phía trước tiệm) chắc sẽ mãi băn khoăn, không biết sự thật như thế nào. Cảm ơn vì chị dám chịu trách nhiệm”. Tất cả ai nấy đều vui vẻ thở phào vì cái kết tốt đẹp.

Trong cuộc sống, bất cứ ai cũng có thể nhầm lẫn hoặc mắc sai lầm. Thế nhưng, nếu biết chịu trách nhiệm về sự nhầm lẫn hay sai lầm của mình, thì sẽ hóa giải được mọi khúc mắc, nghi ngờ là những “ung nhọt”…thường dẫn đến những hành vi tiêu cực đáng tiếc.

Phạm Thùy Chi

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
3 sai lầm cần tránh khi thay đổi công việc

Thay đổi công việc nhìn chung là một quá trình tương đối tốn thời gian và phức tạp bởi bạn cần xem xét đến nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan, chẳng hạn như khả năng cá nhân, định hướng tương lai, môi trường làm việc mới,... Nếu không cân đo đong đếm một cách kỹ lưỡng, bạn sẽ rất dễ mắc sai lầm.

3 sai lầm cần tránh khi thay đổi công việc
Nhầm!

Nhầm lẫn là “Chuyện thường ngày ở huyện”, có thể xảy ra ở bất cứ đâu, lứa tuổi nào, do sơ suất, vô ý, chủ quan hay bệnh lý…

Nhầm
UNCTAD: Những sai lầm về chính sách có thể gây ra suy thoái tồi tệ

Báo cáo mới được Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) mới đây công bố rằng, thế giới đang trên đường tiến gần hơn đến suy thoái toàn cầu và tình trạng trì trệ kéo dài, trừ khi các chính sách tài khóa và tiền tệ đang gây ảnh hưởng ở một số nền kinh tế tiên tiến nhanh chóng được thay đổi.

UNCTAD Những sai lầm về chính sách có thể gây ra suy thoái tồi tệ
Return to top