Cầu Dã Viên
Nút giao thông ở đầu mạn bắc cầu Dã Viên có thể nói là một trong những nút giao thông khá ám ảnh đối với nhiều người bởi độ dốc, độ phức tạp của giao cắt (vừa đường bộ, vừa đường sắt) và mật độ các phương tiện giao thông.
Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra ở đây, trong đó không ít vụ dẫn đến thương tật, chết người rất bi thảm. Trước thực trạng ấy, được biết, các cơ quan chức năng đã nghiên cứu giải pháp, sắp tới sẽ cho sơn kẻ, gắn đinh phản quang, sắp xếp phân luồng, … để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) tại nút giao cắt này.
Sơn kẻ, phân luồng, tăng cường biển báo v.v.. là những giải pháp kỹ thuật cần thiết, và nó sẽ phát huy hiệu quả khi mọi người tham gia giao thông đều hiểu và tự giác chấp hành. Còn như hiện nay, chỉ dựa vào sơn kẻ, biển báo…thì thực lòng, chúng tôi cảm thấy không được tin tưởng nhiều lắm.
Không phải cảm tính mà nói như vậy mà là bởi lẽ, nếu quan sát thì có thể nhận thấy, dù ở bất cứ thời điểm nào, hễ bước chân ra đường là cũng đều có thể bắt gặp đủ loại hành vi vi phạm trật tự ATGT, từ phóng nhanh vượt ẩu, chở quá khổ quá tải, chạy lấn làn lấn vạch, ô tô đậu đỗ tứ tung, đi vào đường cấm… Những người vi phạm, ngoại trừ một số thuộc thành phần “ngổ ngáo, bất chấp” ra, còn thì phần đông vi phạm đều là do không nắm, không hiểu luật, không đọc được ý nghĩa các biển báo giao thông.
Chất lượng trong đào tạo, sát hạch sẽ giúp kéo giảm TNGT (Trong ảnh: Giờ thực hành lái xe trên đường đô thị của cơ sở đào tạo Tâm An)
Ngay cả dân lái ô tô, toàn là những người phải học, phải vượt qua sát hạch mới được cấp bằng, cầm lái, vậy mà cũng không khó để bắt gặp những trường hợp đi đứng, đậu đỗ lung tung xèng. Ấy là bởi vì khi học họ chỉ chăm chăm phần thực hành, làm sao biết nổ máy, biết đánh vô lăng, biết lùi xe… là OK, còn lý thuyết thì học “mẹo” hoặc chờ được “gà” khi vào phòng thi. Trách gì bây giờ ra đường cầu hẹp cũng vượt, vạch liền cũng lấn, hoặc đầu ngã ba, ngã tư, thậm chí ngay trước cổng cơ quan công sở, thấy chỗ trống ngon ăn là vô tư đậu đỗ, bất cần khoảng cách an toàn theo quy định. Dân ô tô còn thế, trách gì dân đi mô tô xe máy. Có người đâu cần học bằng, con nít đi được xe đạp thì lớn lên cứ chuyển qua xe máy, mô tô. Còn bằng? Khi nào công an thổi rồi tính…
Thực trạng như vậy cho nên tính hiệu quả của giải pháp sơn kẻ, phân luồng… ở nút giao bắc cầu Dã Viên chắc hẳn sẽ khó phát huy như mong muốn. Dẫu vậy, trong ngắn hạn vẫn không thể không làm.
Về lâu dài, với sự gia tăng dân số, phương tiện và sự phát triển của đô thị, sẽ có không ít những điểm nóng giao thông cũng cần phải áp dụng giải pháp sơn, kẻ, biển báo, đèn tín hiệu… (bởi không phải nơi nào cũng đủ điều kiện để làm các dải phân cách cứng), để phát huy hiệu quả mong muốn thì cũng đồng thời cần phải quan tâm những giải pháp đồng bộ. Ấy là tăng cường tuyên truyền, giáo dục luật lệ giao thông.
Việc Bộ GTVT thời gian qua quyết định tăng thêm số câu và độ khó cho bộ câu hỏi lý thuyết sát hạch người học lái ô tô cũng như áp dụng công nghệ (camera theo dõi việc sát hạch) là một trong những việc làm cần thiết và rất đáng hoan nghênh.
Phải lưu tâm và thực chất hơn nữa việc giáo dục sự hiểu biết, ý thức chấp hành pháp Luật Giao thông từ trong trường học. Đồng thời ráo riết, nghiêm khắc trong việc phát hiện, xử lý mọi trường hợp vi phạm. Đô thị thông minh chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều trong vấn đề này.
Phải đồng bộ thì ý thức của người tham gia giao thông mới được nâng lên. Và sơn kẻ, phân luồng, biển hiệu… mới có thể phát huy công dụng, kéo giảm sự lo lắng và nỗi bất hạnh cho nhiều gia đình.
Bài, ảnh: Huy Khánh