Nếu chỉ trông cậy vào những đợt ra quân của thanh niên tình nguyện, bãi biển không thể luôn sạch, đẹp
Chuyện "thường ngày"
Vô tư xả rác giữa bãi biển, nào rác bao gói bánh kẹo, lá gói bánh, hộp nhựa tiện lợi, vỏ chai nước... là "chuyện thường ngày" của nhiều du khách khi đến vui chơi, tắm mát ở nhiều bãi biển trên địa bàn.
Không chỉ rác do du khách xả ra, chứng kiến nhân viên quán ăn ở bãi tắm số 1 thị trấn Thuận An (Phú Vang) vào cuối ngày đẩy chiếc xe chất đầy rác ra đổ tại một bãi rác tự phát ngay bãi tắm, cách mặt biển không xa cũng lý giải thêm vì sao bãi biển luôn đầy rác.
Còn nhớ cách đây khoảng 2 năm, cảnh tượng rác bao phủ khắp các bãi biển, rừng dương ở các địa bàn như Phú Thuận, Phú Hải, thị trấn Thuận An, Vinh Thanh (Phú Vang) khiến du khách và người dân địa phương không khỏi ám ảnh. Sau đó, chính quyền địa phương phải huy động lực lượng khá lớn ra quân dọn sạch.
Để tránh tái diễn nạn rác thải hoành hành và nâng cấp dịch vụ du lịch biển, thị trấn Thuận An đã đầu tư hạ tầng, đường sá, củng cố đội ngũ quản lý an toàn trật tự, vệ sinh môi trường bãi tắm. Trong đó, địa phương đã chú trọng đầu tư chỉnh trang, bố trí hệ thống thùng rác mini đặt ở những vị trí thuận tiện, mỹ quan dọc bãi biển, tạo điều kiện để người dân, du khách bỏ rác; đồng thời hợp đồng với đơn vị thu gom, vận chuyển xử lý hằng tuần 2-3 lần.
Tuy không còn còn cảnh rác tồn đọng quá tải như những năm trước đây, nhưng thi thoảng, tại một số bãi tắm, bãi đất trống cạnh biển vẫn xuất hiện những đống rác bốc mùi, mất mỹ quan.
Trong một lần về tắm biển ở Thuận An, tôi chứng kiến một phụ nữ đi dọc bãi biển để nhặt rác. Tranh thủ trò chuyện, chỉ nghe giọng trọ trẹ lai miền Nam qua tấm khẩu trang che mặt, chị khiêm tốn: "Chiều chiều về biển, thấy rác bẩn nên mình tự đi nhặt thôi, sạch được chừng nào hay chừng đó".
"Một người dọn nhưng trăm người xả" sẽ không giải quyết rốt ráo vấn đề. Nhưng nếu ai cũng có ý thức, hành động đẹp như người phụ nữ lạ mặt trên thì các bãi biển, bãi tắm chắc chắn sẽ không còn một cọng rác.
Chung tay
Trong câu chuyện về thực hiện phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" tại địa phương, ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) cho rằng, để giữ sạch bãi biển, đối tượng đầu tiên mà chính quyền địa phương nhắm đến để tuyên truyền và kêu gọi hành động để giữ sạch vệ sinh chính là các chủ quán kinh doanh dịch vụ; sau đó mới đến người dân và du khách.
Đường bờ biển đang khai thác 2 bãi tắm Tân Cảnh Dương và Bình An của xã Lộc Vĩnh dài khoảng 6km. Mấy năm gần đây, dịch vụ du lịch biển ở địa phương phát triển sôi động. Nhất là từ khi hình thành bãi tắm Tân Cảnh Dương, bình quân mỗi ngày, hai bãi tắm thu hút khoảng 2-3 ngàn lượt khách, cao điểm có lúc gần 5 ngàn lượt khách.
Hiện, 2 bãi tắm có 27 quán đang kinh doanh dịch vụ ăn uống. Tại từng điểm kinh doanh, chính quyền địa phương quán triệt các chủ quán phải đảm bảo trong, trước mặt quán và kéo dài ra bờ biển phải luôn thu dọn sạch rác.
Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 2-3km điểm bãi biển không có quán kinh doanh mà có người dân ngoài địa phương, khách vãng lai về tắm biển nên thường xuất hiện tình trạng xả rác trên bãi biển. Để giải quyết tình trạng này, chính quyền địa phương phải tổ chức từng đợt ra quân, trong đó có lồng ghép kế hoạch Ngày Chủ nhật xanh để làm sạch các đoạn bãi biển.
Bãi biển Lộc Bình, Vinh Hải, Vinh Hiền (Phú Lộc) là những bãi tắm lý tưởng đang thu hút ngày càng nhiều du khách đến khám phá, ngâm tắm. Nhưng nhờ sự chủ động tuyên truyền, nhắn nhủ "dây chuyền", nên những bãi tắm này chưa trở thành những điểm đen do rác tồn đọng.
Về lâu dài, nhất là khi lượng khách đổ về ngày càng đông, các địa phương, ban quản lý bãi tắm, chủ các nhà hàng, các khu resort, nhà nghỉ dọc biển cần có giải pháp quyết liệt, vừa tăng cường lực lượng thu gom, đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở, thậm chí áp dụng quy định xử phạt vi phạm vệ sinh môi trường nơi công cộng theo khung UBND tỉnh ban hành có hiệu lực từ ngày 1/7.
Bài, ảnh: Hoài Thương