ClockChủ Nhật, 19/05/2024 12:05

Biển gọi...

TTH - Cuối tuần qua, Lăng Cô đã thực sự trở thành điểm đến của cả nước khi nơi đây diễn ra chương trình nghệ thuật kỷ niệm 15 năm vịnh Lăng Cô được công nhận là vịnh đẹp thế giới. Nhiều hoạt động hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa vùng, miền đã diễn ra, như: Khai trương tuyến phố đi bộ đường ven đầm Lập An, hoạt động ẩm thực, chèo thuyền sup, lễ hội cầu ngư, đua thuyền truyền thống, đua thuyền thúng, bắn pháo hoa tầm thấp… nhằm quảng bá nét đẹp văn hóa Việt Nam đến với khách du lịch, bạn bè trong và ngoài nước.

Hơn 45.000 lượt khách về vịnh đẹp Lăng Cô dịp lễ kỷ niệmLăng Cô - Vịnh đẹp thế giớiKhai trương tuyến phố đi bộ ở Lăng Cô

Đua thuyền truyền thống - hoạt động trong chuỗi chương trình kỷ niệm 15 năm vịnh Lăng Cô được công nhận là Vịnh đẹp thế giới. Ảnh: Hữu Phúc 

Trước đó, vào dịp kỷ niệm chiến thắng 30 tháng 4, chương trình “Thuận An Biển gọi 2024” cũng được khai mạc. Và nếu theo đúng kế hoạch, tháng 6 tới sẽ là Ngày hội Sóng nước Tam Giang năm 2024 với nhiều hoạt động riêng có của vùng quê sông nước Quảng Điền. Chưa kể, còn có hàng chục điểm du lịch biển ở Thừa Thiên Huế cũng đồng loạt khai hội khi bước sang mùa hè với Vinh Thanh, Vinh Hiền, Điền Lộc, Quảng Ngạn, Quảng Công… Thừa Thiên Huế đang ở trong thời điểm “biển gọi”.

Bãi biển nhiều và đẹp với sắc màu phong phú, nhưng dễ dàng cảm nhận ở Thừa Thiên Huế đó là biển “nghèo” và chưa có sự phát triển tương xứng. Ngay cả Thuận An cũng mới chỉ là bãi tắm chủ yếu dành cho những cư dân địa phương, chưa phải là điểm đến du lịch thực sự có tầm vóc khi so sánh với các địa phương khác. Một cảm giác tiếc nuối khi được tắm biển trong lành, đắm mình trong khung cảnh nên thơ tuyệt vời và thưởng thức những đặc sản khó nơi nào có được ở Hàm Rồng (Vinh Hiền), hay Tân Mỹ (Quảng Ngạn) khi những bãi biển này đến nay vẫn mới dừng lại là tiềm năng, chưa có được những sự đầu tư cần thiết để có sự mở rộng và phát triển. 

Nhân bàn về sự đầu tư cho phát triển, tôi lại nghĩ đến Lăng Cô. Nhiều người bạn của tôi có dịp đi qua đây đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi bãi biển công cộng có diện tích nhỏ và nằm ở vị trí khiêm tốn. Tìm hiểu kỹ mới hay, cách nay hàng chục năm về trước, việc phân lô bán cho các chủ đầu tư đã được tiến hành. Trong quy hoạch đã không dành ra quỹ đất để làm những con đường ra biển, mà liền kề. Bởi vậy, những bãi tắm ở vị trí đắc địa đã trở thành “tài sản riêng” của những ông chủ các khu nghỉ dưỡng. Nó khác với nhiều bãi biển đẹp và đang thu hút hiện nay ở nhiều nơi trong cả nước. Tiềm năng du lịch ở Lăng Cô, do thế, chưa được phát huy.   

Là thành viên thứ 30 của Câu lạc bộ Vịnh đẹp thế giới (Worldbays Club), Lăng Cô thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế. Cùng với Chân Mây, Lăng Cô đã trở thành điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư kinh doanh du lịch dịch vụ trong nước và quốc tế với nhiều dự án có quy mô lớn đã và đang được tiến hành xây dựng. Đã có chuyển biến đáng ghi nhận trong 15 năm qua trong đầu tư phát triển mạnh cơ sở hạ tầng, kết hợp với đầu tư phát triển. Thế nhưng, theo đánh giá chung, so với nhiều vịnh đẹp khác ở Việt Nam, ở đây vẫn thiếu những đầu tư mang tính đột phá trong khai thác, phát huy giá trị vịnh đẹp một cách hiệu quả và bền vững.

Cũng phải thấy rằng, thời gian qua, mặc dù qua các kỳ Festival Huế, Thừa Thiên Huế đều cố gắng tổ chức các tour du lịch tham quan đầm phá, ngắm “mặt trời mọc” từ bãi biển Lăng Cô, kết hợp với việc tổ chức các lễ hội “Thuận An biển gọi”, “Lăng Cô huyền thoại biển” để thu hút khách du lịch. Nhưng tình trạng chung là xong lễ hội, khách cũng thưa vắng theo. Các bãi biển nổi tiếng khác như Cảnh Dương, Tư Hiền... đều hình thành một cách tự phát, các dịch vụ tại chỗ đều do người dân địa phương tự tổ chức, chất lượng không ổn định và thiếu tính chuyên nghiệp nên khó thu hút được khách du lịch, nhất là người nước ngoài.

Không phải ngẫu nhiên mà trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Thừa Thiên Huế đang dồn sức hướng về phía biển và kinh tế du lịch đang được lựa chọn làm mũi nhọn phát triển trong cơ cấu kinh tế địa phương. Con số 128km đường bờ biển chạy dọc từ Bắc vào Nam, trong đó có nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng là ước mơ của nhiều địa phương. Một thời bị chia cắt nhưng với chiếc cầu hiện đại đã được bắc qua như Thuận An hay Tư Hiền; đặc biệt, cầu vượt biển nối Hải Dương và Thuận An chuẩn bị hợp long, thế cô lập sẽ bị phá vỡ và đó là cơ hội để kết nối và phát triển du lịch biển ở Thừa Thiên Huế.

Thu hút được những nhà đầu tư về du lịch đến để khai thác những dịch vụ, nâng chuẩn chất lượng du lịch biển là điều bắt buộc. Nhưng cơ chế, chính sách phù hợp, cùng với quy hoạch tốt được cho là hai yếu tố có thể giúp Thừa Thiên Huế sớm thu hút được các nhà đầu tư xứng tầm. Cùng với sớm triển khai tuyến đường ven biển, kết nối từ Hải Dương sang Thuận An, liên thông các địa phương ven biển là đầu tư xứng tầm những tuyến đường kết nối từ trung tâm thành phố Huế về đến biển. Hạ tầng kết nối tốt là điều kiện cần để các nhà đầu tư đến Huế. Điều này, trước tiên đòi hỏi sự đầu tư từ phía Nhà nước.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần 65 tỷ USD/năm để bảo vệ du lịch biển và ven biển khỏi khủng hoảng khí hậu

Phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), diễn ra từ ngày 11 - 22/11 ở Baku (Azerbaijan), Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) kêu gọi đầu tư khẩn cấp vào du lịch biển và ven biển để bảo vệ ngành này khỏi những rủi ro khí hậu đang gia tăng.

Cần 65 tỷ USD năm để bảo vệ du lịch biển và ven biển khỏi khủng hoảng khí hậu
Giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của bão số 6 đã gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, các đơn vị tăng cường lực lượng xuống địa bàn giúp dân khắc phục hậu quả.

Giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ
Thêm 1 tàu hàng trật bánh tại khu gian Thừa Lưu-Lăng Cô

Thông tin từ ngành đường sắt tại Thừa Thiên Huế cho biết vào sáng 29/9, vào lúc 21h21 ngày 28/9, tàu AH1 đầu máy D18E 603, thuộc Xí nghiệp đầu máy Vinh kéo 21xe với trọng tải chở hàng 926 tấn. Khi đến km 752+350 khu gian Thừa Lưu- Lăng Cô, đầu máy bị trật bánh trục số 01 cách mép ray 70cm bên phải theo hướng tàu chạy.

Thêm 1 tàu hàng trật bánh tại khu gian Thừa Lưu-Lăng Cô
Tàu hỏa lại trật bánh tại khu vực Lăng Cô

Sáng 28/9, ngành đường sắt tại tỉnh Thừa Thiên Huế huy động lực lượng, phương tiện tổ chức cứu hộ tàu hàng bị trật bánh khỏi đường ray trên tuyến đường sắt Bắc - Nam ở khu gian Lăng Cô (Phú Lộc).

Tàu hỏa lại trật bánh tại khu vực Lăng Cô

TIN MỚI

Return to top