Việc sử dụng túi ni lông còn khá phổ biến ở các chợ trên địa bàn
Tuy nhiên, ở rất nhiều cơ sở kinh doanh, việc triển khai cuộc vận động này chưa thật sự hiệu quả. Ví như, ở một cửa hàng kinh doanh áo quần, mũ nón, mỹ phẩm… Khi khách hàng thanh toán tiền mua sản phẩm, nhân viên sẽ hỏi khách hàng có thể tự mang hàng hóa về mà không cần túi nilon? Nếu họ đồng ý (bỏ vào cốp xe máy hoặc xe ô tô) thì không phải chịu phí túi nilon. Xong điều đó chỉ có thể áp dụng cho khách hàng đi xe ô tô hoặc cốp xe máy rộng, hàng hóa ít… Với những khách hàng mua nhiều hàng hóa, họ không thể tự mang về mà buộc phải mua túi nilon, khi giá thành chưa là vấn đề- chỉ 1.000-2.000 đồng/cái thì hiệu quả chưa cao. Thay vì khuyến khích người dân tự mang về mà không cần túi nilon thì doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh cần thay bằng túi giấy hoặc các loại chất liệu thân thiện với môi trường. Bởi nhu cầu là có thật, vì theo quan sát gần như khách hàng nào cũng chịu phí để mua túi nilon (dù họ không muốn) thay vì ôm mớ hàng hóa lỉnh khỉnh.
Hay như ở một số quán cà phê, việc hưởng ứng chủ trương “chống rác thải nhựa” cũng khá nửa vời khi ly cà phê bằng nhựa có nắp đậy trước đây được thay bằng ly không có nắp dành cho người uống tại chỗ và đóng nilon bằng máy mang về. Theo cách giải thích của người kinh doanh là giảm bớt một nửa việc sử dụng ly nhựa mà thực tế là nắp nhựa. Thay vì ly nhựa thì dùng ly thủy tinh để khách hàng uống tại chỗ và ly giấy để khách mang về có lẽ hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, nói đến việc sử dụng túi nilon không thể bỏ qua các chợ, khi mà gần như túi nilon được sử dụng trong tất cả các mặt hàng thực phẩm từ thịt cá, rau củ đến thức ăn nấu chín…
Với chủ trương này, gần đây, đã có nhiều chị em đi chợ bằng giỏ nhưng lại là giỏ nhựa, chưa phải là giỏ đệm bàng Phò Trạch (cũng có thể có nhưng rất ít) và việc thay túi nilon bằng lá chuối, lá vả… cũng còn khá khiêm tốn. Rõ ràng, việc vận động tiểu thương, chị em thay đổi thói quen sử dụng túi nilon bằng các vật liệu khác là chủ trương đúng đắn nhưng chỉ mới vận động thôi thì chưa đủ mà cần có các giải pháp cụ thể hơn, có thể là bán túi nilon giá cao hơn hoặc hỗ trợ ban đầu túi thân thiện với môi trường hẳn là sẽ dần thay đổi được thói quen dùng túi nilon.
Một lần trò chuyện với TS. Trần Đình Hằng, Trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia tại Huế về chủ đề này, ông nói rằng, nếu vận động được mỗi gia đình, mỗi người phụ nữ đi chợ bằng giỏ đệm Phò Trạch thì hay biết mấy. Hay theo như cách nói của TS. Trần Đình Hằng là vừa hưởng ứng tốt cuộc vận động “Nói không với túi nilon”, lại còn giải quyết được việc làm, thu nhập cho người dân làng đệm bàng Phò Trạch, xã Phong Bình (Phong Điền). Tiếc là điều này vẫn chưa được triển khai quyết liệt.
Rõ ràng, các cuộc vận động “Nói không với túi nilon”, “Chống rác thải nhựa” cũng không ngoài mục đích để thực hiện tốt hơn “Ngày Chủ nhật xanh” của tỉnh vốn đã tạo sự lan tỏa lớn trong cộng đồng nhằm tiến tới không chỉ là chủ nhật mà “cả tuần, cả tháng và cả năm xanh” để tạo sự khác biệt, đem lại môi trường sống tốt lành cho người dân và du khách. Từ đó tạo môi trường kêu gọi đầu tư, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
Tôi ấn tượng với một câu nói từ mạng xã hội khi Huế thực hiện tốt “Ngày Chủ nhật xanh”, đại ý là: “Thà ăn ổ bánh mì ở nơi trong lành mát mẻ còn hơn là ăn tôm hùm ở nơi ô nhiễm bốc mùi, ruồi muỗi nhặng xị…” kèm theo hình ảnh người dân đủ các thành phần lứa tuổi dọn và phân loại rác. Bởi khi môi trường sống trong lành hơn, hẳn là chất lượng sống con người được nâng lên. Ai cũng muốn được sống trong môi trường trong xanh, mát mẻ hơn là khói bụi ồn ào. Và điều đó muốn có được phải bắt đầu từ những việc làm nhỏ, như hưởng ứng các cuộc vận động nêu trên bằng cách thiết thực và hiệu quả nhất.
Bài, ảnh: Linh Đan