ClockThứ Sáu, 12/09/2014 10:04

Khu xử lý rác Lộc Thủy vận hành đúng quy trình

TTH - Báo Thừa Thiên Huế số 6119 phát hành ngày 8-8 đăng bài: "Xung quanh hoạt động của Nhà máy rác thải ở Lộc Thủy: Phải đảm bảo tiêu chí môi trường sống cho người dân" của tác giả Minh Văn. Ngày 15-8, Công ty TNHH Nhà nước Môi trường và Công trình đô thị Huế (gọi tắt là Công ty MT&CTĐT) đã có công văn phản hồi về một số thông tin trong bài báo.

Tại Khu xử lý rác Lộc Thủy. Ảnh: Bích Thùy

Người dân vẫn kêu

Ông Trần Trung Khánh, Phó Tổng giám đốc Công ty THHH Nhà nước MT&CTĐT Huế cho biết: Trong quá trình vận hành bãi rác, công ty luôn thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của bãi rác đến môi trường xung quanh, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát ô nhiễm môi trường bãi chôn lấp rác Lộc Thủy theo quy định. Kết quả quan trắc gần đây nhất (tháng 6-2014) của cơ quan kiểm soát độc lập là Trung tâm phân tích Trường đại học Khoa học Huế kết luận, bãi chôn lấp rác đạt yêu cầu, chưa có dấu hiệu gây ô nhiễm không khí, đất, mặt nước và nước ngầm.
Trong công văn gửi Báo Thừa Thiên Huế, Công ty MT&CTĐT Huế cho rằng: “Công ty đã soát xét, kiểm tra các công tác liên quan hoạt động của bãi chôn lấp rác Lộc Thủy (thôn Nam Phước, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc) và trực tiếp trao đổi với trưởng thôn Nam Phước thì được biết thôn không nghe phản ánh gì của người dân về mùi hôi, nước rác của bãi rác gây ô nhiễm môi trường xung quanh”. Để hiểu đúng sự việc, ngày 28-8, Tổ Bạn đọc Báo Thừa Thiên Huế đã có mặt tại thôn Nam Phước. Chúng tôi tìm gặp trưởng thôn nhưng ông đi vắng. Tại đây, các ông: Nguyễn Văn Anh, Phan Văn Ánh (những người từng nêu ý kiến trong bài báo) tiếp tục khẳng định mùi hôi từ khu xử lý rác Lộc Thủy ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Ông Nguyễn Văn Anh nói: “Nội dung bài báo nêu là đúng. Không ai muốn nhưng sự việc lại như vậy.
Gió thổi chiều nào là hôi phía đó. Chúng tôi nêu ý kiến nhằm mong muốn báo chí và chính quyền địa phương có tiếng nói, góp phần hạn chế mùi hôi từ khu xử lý rác”.
Về phía chính quyền xã Lộc Thủy - ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã cũng thừa nhận những nội dung ông đã thông tin với Báo Thừa Thiên Huế. Cụ thể, xã đã nhận được các thông tin phản ánh của người dân về mùi hôi từ khu xử lý rác thải Lộc Thủy. 
Xử lý rác đúng quy trình
Chúng tôi đã thị sát đến Khu xử lý rác Lộc Thủy. Điều dễ thấy là bãi chôn lấp rác được xây dựng cách khu dân cư khá xa. Phần lớn rác đưa về đã được che phủ bởi tấm nhựa HDPE có tác dụng tăng môi trường kỵ khí để quá trình phân hủy rác nhanh hơn; đồng thời giảm côn trùng, ruồi, muỗi, ngăn cản mùi hôi phát tán và hạn chế tối đa xâm nhập của nước mưa vào rác. Bên cạnh bãi chôn lấp rác là các hồ xử lý nước rỉ rác bằng công nghệ sinh học. Khu xử lý rác được xây dựng bằng bê tông, có tấm nhựa HDPE chống thấm, công nghệ xử lý rác hiện đại, nên theo chúng tôi việc một số người dân cho rằng “thỉnh thoảng các công nhân nhà máy còn xả trực tiếp nguồn nước rỉ các hồ chứa rác ra các kênh, khe chung quanh khiến màu nước đen kịt” là cách nói hơi quá, nặng tính suy diễn.
Chúng tôi có mặt ở Lộc Thủy đúng lúc mới xong một cơn mưa to nên tại khe nước chảy băng qua Khu xử lý rác Lộc Thủy không nhận ra màu nước “đen kịt” như người dân phản ánh. Bà Trần Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy kiêm Bí thư Chi bộ thôn Nam Phước cho biết: “Ở nhiều vùng đất của Lộc Thủy, trong đó có thôn Nam Phước do bị phèn nên màu nước bị đen sẵn. Ngay giếng nước sau lưng UBND xã Lộc Thủy cũng bị nhiễm phèn”. Bà Trần Thị Thanh Bình nhận xét: “Các công đoạn xử lý ở Khu xử lý rác Lộc Thủy được thực hiện đúng quy trình và không có chuyện rò rỉ từ các hồ chứa rác. Song khi có gió nồm thì bốc lên mùi hôi”. 
Theo các thông tin, hình ảnh do Công ty MT&CTĐT cung cấp, khi thiết kế khu xử lý rác, đơn vị đã tính toán hết các yếu tố kỹ thuật. Đồng thời, trong quá trình hoạt động, đơn vị cũng thường xuyên theo dõi chất lượng xử lý nước rác của hồ sinh học.
Tiếp tục quan tâm thường xuyên
Khu xử lý rác Lộc Thủy được đầu tư và đưa vào sử dụng từ năm 2011 do Ngân hàng ADB và AFD đồng tài trợ. Theo thiết kế, bãi chôn lấp xử lý 135 tấn rác/ngày, nhưng hiện mới tiếp nhận xử lý 20 tấn rác/ngày, đạt 15% công suất. Từ ngày Khu xử lý rác Lộc Thủy đi vào hoạt động, tình trạng ô nhiễm do rác, nhất là ở các chợ tại huyện Phú Lộc đã giảm hẳn.
Báo Thừa Thiên Huế hoan nghênh Công ty MT&CTĐT Huế đã có công văn phản hồi kịp thời. Qua đó, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn quy trình xử lý rác ở Khu xử lý rác Lộc Thủy và những nỗ lực của công ty trong công tác đảm bảo môi trường nói chung, cho huyện Phú Lộc nói riêng.
Có một thực tế, dù công nghệ xử lý rác có hiện đại đến đâu thì vẫn không thể triệt tiêu mùi hôi một cách tuyệt đối. Bài báo “Xung quanh hoạt động của Nhà máy rác thải ở Lộc Thủy: Phải đảm bảo tiêu chí môi trường sống cho người dân” của tác giả Minh Văn chỉ muốn nêu lên ý kiến của người dân Nam Phước để Công ty MT&CTĐT Huế cũng như các cơ quan chức năng quan tâm kiểm tra thường xuyên công tác vận chuyển, xử lý rác, nhằm giúp môi trường sống của người dân luôn được đảm bảo. Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp, tác giả không làm việc với lãnh đạo Công ty MT&CTĐT nên thông tin trong bài báo còn phiến diện, gây hiểu nhầm cho bạn đọc.
Báo Thừa Thiên Huế tiếp thu ý kiến phản hồi của Công ty MT&CTĐT Huế và yêu cầu phóng viên rút kinh nghiệm nghiêm túc. Đồng thời tin tưởng công ty luôn quan tâm thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh nói chung và cho thôn Nam Phước - Lộc Thủy nói riêng. 
Tổ Bạn đọc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ và phơi lúa trên đường

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 trùng với đợt cao điểm thu hoạch lúa vụ Đông Xuân nên lực lượng chức năng huyện Quảng Điền phải cắt cử lực lượng tăng cường thực hiện các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ trên đồng ruộng; phơi lúa trên các tuyến đường giao thông gây ảnh hưởng đến môi trường và gây mất an toàn giao thông.

Tăng cường các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ và phơi lúa trên đường
Quảng bá hình ảnh ẩm thực Huế phải tinh tế hơn

Tuần lễ ẩm thực truyền thống Huế 2024 được khai mạc tối 27/4 và kéo dài đến 1/5 tại công viên Thương Bạc, TP. Huế. Hoạt động này nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực Huế, do UBND TP. Huế phối hợp Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam và các đơn vị khác tổ chức.

Quảng bá hình ảnh ẩm thực Huế phải tinh tế hơn
Cửa Thượng Tứ hay cầu Thượng Tứ

Về nguyên tắc, biển tên công trình nào thì phải đặt ngay công trình đó. Không thể lắp đặt biển tên ở một công trình đứng trước để chỉ tên một công trình đứng sau. Logic thông thường một cách trực quan, người đọc sẽ hiểu biển tên đó dành cho công trình phía trước, chứ ai hiểu là dành cho công trình phía sau.

Cửa Thượng Tứ hay cầu Thượng Tứ
Để sông Hương mãi xanh

Không vui và lấy làm tiếc là cảm giác của không chỉ tôi mà cả nhiều người trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và cầu gỗ lim vào mỗi sáng khi nhìn thấy cảnh tượng hoa đăng giấy nổi bập bềnh bên bờ sông Hương - dòng sông thơ mộng và đẹp nổi tiếng của Huế.

Để sông Hương mãi xanh
Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế

Chiều muộn, một người đàn ông lớn tuổi, tóc hoa râm ngồi cặm cụi băng bó hai chiếc chân đế bằng sắt của tấm pano vừa được lắp trên cầu ga Huế. Ông bảo làm thế để tránh thương tích cho người nếu không may va phải, nhất là những ngày này Huế đón người dân, du khách nơi khác về rất đông.

Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế
Return to top