Hoạt động cầm chừng
Để giảm tải cho bãi chôn lấp rác tập trung của huyện Quảng Điền tại xã Quảng Lợi và rút ngắn chi phí vận chuyển rác thải từ 2 xã ven biển Quảng Công, Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền đầu tư hơn 1,6 tỷ đồng lắp đặt lò đốt rác tại thôn Cương Gián, xã Quảng Công.
Các thông số kỹ thuật của lò đốt vẫn chưa đạt quy chuẩn
Ông Lê Ngọc Sơn, Đội trưởng Đội quản lý các công trình công cộng- Thu gom và xử lý rác (gọi tắt Đội QL) cho biết, khoảng cách vận chuyển rác từ 2 xã Quảng Công và Quảng Ngạn đến bãi chôn lấp rác ở Quảng Lợi từ 35- 40km, điểm xa nhất hơn 60km. Lượng rác phát sinh tại 2 xã này bình quân 4,3 tấn/ngày. Việc vận chuyển sang bãi rác tập trung của huyện mất nhiều thời gian, lượng rác lưu cữu tại địa phương dài ngày, nên dễ gây ô nhiễm môi trường. Việc đầu tư xây dựng lò đốt rác có công suất xử lý 500kg/h tại xã Quảng Công giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển, rác được xử lý kịp thời, tránh phát tán mùi hôi, ô nhiễm tại các bãi trung chuyển và trong quá trình vận chuyển.
Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Quảng Điền, chủ đầu tư kiêm vận hành quản lý lò đốt cũng chỉ ra những tính năng ưu việt của lò đốt rác Losiho 500 là không dùng nhiên liệu như dầu DO, điện năng, khí ga... mà hoàn toàn đốt bằng không khí tự nhiên. Quy mô đầu tư nhỏ, dễ vận hành sử dụng. Chi phí vận hành, bảo trì, bảo dưỡng thấp, từ 120- 150 nghìn đồng/tấn. Trong khi các phương pháp xử lý khác có thể lên tới 380 nghìn đồng/tấn.
Hiện tại, rác của 2 xã Quảng Công, Quảng Ngạn được vận chuyển về bãi chôn lấp với giá 1,06 triệu đồng/chuyến xe cuốn ép 5 tấn, tức chi phí vận chuyển 1 tấn rác là 212 nghìn đồng. Kinh phí để xử lý tại bãi chôn lấp là 42 nghìn đồng. Như vậy, tổng cộng 1 tấn rác được vận chuyển và xử lý tại 2 xã này tốn 254 nghìn đồng. Nếu trong một tháng, bình quân 2 xã có lượng rác vận chuyển xử lý 160 tấn thì tiêu tốn hơn 40,6 triệu đồng.
So sánh kinh phí khi lò đốt rác tại Quảng Công đi vào hoạt động, với lượng rác trung bình trong một tháng là 160 tấn, phí vận chuyển 100 nghìn đồng/tấn, 2 nhân công vận hành được trả 5,1 triệu đồng/tháng và chi phí khác 2 triệu đồng, thì tổng cộng kinh phí xử lý mất 28,2 triệu đồng/tháng.
Tuy có nhiều tính năng ưu việt, có lợi về mặt kinh tế, song thực tế sau hơn 6 tháng vận hành, lò đốt rất khó xử lý rác ẩm ướt, có nhiều tạp chất. Nên, trước khi đưa vào lò, rác phải được phơi khô. Khó nhất là những lúc trời mưa và những loại rác không thể đốt được, đơn vị chuyên thu gom phải chở sang bãi chôn lấp rác tập trung ở Quảng Lợi để xử lý.
Ông Lê Duận, Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho biết, qua theo dõi, lò đốt hoạt động 3 ngày/tuần, còn lại rác ướt, hoai mục và rác khó cháy được vận chuyển sang bãi chôn lấp Quảng Lợi. Địa phương cũng đang lo lắng khi mùa mưa sắp tới rất dễ tồn đọng rác, nên đã đề xuất đơn vị chuyên trách phải xử lý dứt điểm để đảm bảo môi trường.
Cần nâng cấp lò đốt và phân loại rác
Qua thực tế, các loại chai lọ thủy tinh, lon bằng sắt, vật cứng... rất khó xử lý và lượng rác tại 2 xã ngày càng tăng, đòi hỏi nhu cầu xe vận chuyển lớn. Theo ông Hồ Ngọc Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Quảng Điền, để lò đốt rác đạt hiệu quả, các địa phương nên vận động, tập huấn cho người dân trên địa bàn phân loại rác tại nguồn, đưa rác ra đúng điểm tập kết thu gom và đúng thời gian. Nếu phân loại tốt, huyện có thể giao trực tiếp cho 2 xã tự vận hành xử lý.
Trong khi năng lực xử lý còn hạn chế, ý thức tham gia phân loại rác của người dân chưa cao, nên để từng bước tăng hiệu quả vận hành xử lý, từ tháng 6/2017, UBND xã Quảng Công đã tổ chức làm điểm phân loại rác ở thôn An Lộc trước khi đưa ra bãi tập trung. Kế hoạch năm 2018, địa phương sẽ phối hợp với hội phụ nữ, nông dân... nhân rộng ra toàn xã. Theo tính toán, nếu phân loại rác ra từng phần: chôn lấp, đốt tại chỗ, tận dụng bán ve chai phế liệu và đưa đi xử lý tại bãi rác Quảng Lợi, thì phần xử lý tại lò đốt chỉ còn khoảng 1/2 lượng rác.
Chủ tịch UBND xã Quảng Công đề xuất, nên chăng cần nâng cấp công nghệ lò đốt cao hơn, để đốt được rác ẩm ướt, tránh không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và diện tích sân phơi.
Mặc dù đưa vào hoạt động hơn 6 tháng, nhưng công trình vẫn chưa được nghiệm thu. Phòng Kinh tế & Hạ tầng Quảng Điền cùng với đơn vị cung cấp dây chuyền công nghệ phối hợp với cơ quan quản lý đã thuê đơn vị tư vấn lấy mẫu để phân tích, đánh giá chất lượng khí thải. Kết quả, các thông số đều đạt theo tiêu chuẩn môi trường, chỉ có 2 thông số dioxin/furan PCDD/PCDF chưa có kết quả phân tích.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, 2 loại khí thải dioxin/furan PCDD/PCDF rất dễ phát sinh trong quá trình đốt. Nếu muốn đạt tiêu chuẩn đòi hỏi phải đốt ở nhiệt độ rất cao. Ngoài ra, các thông số kỹ thuật của lò đốt rác ở Quảng Công vẫn chưa đạt Quy chuẩn 61 về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, như chưa có đồng hồ báo nhiệt, hệ thống giàn, lỗ thiết kế để lấy mẫu quan trắc… Do đó, ngoài đảm bảo tiêu chuẩn các thông số về khí thải, đơn vị vận hành quản lý cần yêu cầu đơn vị cung cấp sản phẩm hoàn thiện những yêu cầu kỹ thuật đảm bảo thì mới có thể được xác nhận hoạt động chính thức.
Bài, ảnh: Hoài Thương